Báo động tình trạng học sinh Anh nghỉ học

GD&TĐ - Tình trạng học sinh bỏ học gia tăng đang là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Anh vì việc đi học có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập.

Học sinh Anh nghỉ học có liên quan đến vấn đề sức khoẻ tâm thần sau dịch Covid-19.
Học sinh Anh nghỉ học có liên quan đến vấn đề sức khoẻ tâm thần sau dịch Covid-19.

Tình trạng học sinh bỏ học gia tăng đang là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Anh vì việc đi học có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập. Các trường đang làm nhiều cách để kéo trò đi học lại.

Dữ liệu mới đây do Chính phủ Anh công bố cho thấy tỷ lệ học sinh phổ thông nghỉ học liên tục (nghỉ quá 1/10 số tiết học) đã tăng hơn gấp đôi kể từ dịch Covid-19. Cụ thể, trong năm học 2018 – 2019, số học sinh nghỉ học là 10,9% nhưng trong năm học 2022 – 2023, con số này là 22,3%. Ở Bắc Ireland, Scotland hay xứ Wales cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Còn tỷ lệ học sinh nghỉ học nói chung trong các trường học đã tăng hơn 50% kể từ năm 2019. Các chuyên gia giáo dục nhận định tình trạng trên là “cuộc khủng hoảng quốc gia toàn diện”.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ học sinh Anh nghỉ học tăng cao là phụ huynh không còn coi trọng việc đến trường. Trong nhiều thập kỷ, việc học sinh đi học và ở lại trường đều đặn mỗi ngày không chỉ nhằm trau dồi kiến thức mà còn phần nào thể hiện sự quyết tâm, đồng nhất và tin tưởng giữa nhà trường và gia đình. Nhưng sau dịch Covid-19, mối quan hệ trên đã bị rạn nứt sâu sắc.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã gây ra vấn đề sức khoẻ tâm thần rất đáng lo ngại ở trẻ em Anh. Nhiều em gặp các vấn đề về lo lắng, rối loạn cảm xúc, nặng hơn là trầm cảm. Số khác thay đổi hành vi, trở nên nghịch ngợm, không nghe lời. Với phụ huynh, việc giúp con cái ổn định cảm xúc đã quan trọng hơn việc bồi đắp kiến thức.

Một tác nhân khác là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên các hộ gia đình ở Anh kể từ sau xung đột Nga – Ukraine. Với những gia đình khó khăn, việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình hiện nay cũng là việc khó nên họ không còn bận tâm đến trường học.

Kết quả là nhiều phụ huynh tin rằng con cái không nhất thiết phải đến trường. Gia đình không có trách nhiệm phải phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Ngày càng nhiều trẻ em Anh đang theo học từ xa hoặc học tại nhà.

Một phụ huynh sống tại Manchester có hai con 5 và 10 tuổi chia sẻ: “Trước Covid-19, tôi rất quan tâm đến việc đưa bọn trẻ đi học vì giáo dục là rất quan trọng. Sau Covid-19, tôi thật sự không còn quan tâm đến trường học nữa. Cuộc đời quá ngắn ngủi”.

Trước tình hình trên, Giám đốc Y tế Anh, GS Chris Whitty, đã trấn an phụ huynh rằng trẻ em mắc chứng lo âu nhẹ và trung bình có thể cảm thấy tốt hơn khi đến trường. Nếu không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. “Trạng thái lo lắng là một phần của quá trình trưởng thành. Trường học sẽ giúp các em vượt qua giai đoạn này tốt hơn”, ông Whitty nhấn mạnh.

Về phía Bộ Giáo dục Anh, Bộ trưởng Gillian Keegan thừa nhận “còn nhiều việc phải làm” để cải thiện tỷ lệ học sinh đến trường ở Anh. Bộ Giáo dục đang nỗ lực hỗ trợ phụ huynh và giáo viên, phân bổ nguồn kinh phí tài trợ cho các trường học.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trong dài hạn, Bộ Giáo dục và Chính phủ Anh nên cân nhắc điều chỉnh lại số ngày học, tăng tính linh hoạt. Trong ngắn hạn, do mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đi học và kết quả học tập, các trường cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ học sinh quay lại học tập.

Nhiều trường phổ thông tăng cường thuê nhân viên phụ trách điểm danh và nhân viên phúc lợi học sinh để giải quyết vấn đề trên. Số khác tuyển dụng cố vấn học đường, chuyên gia tâm lý nhằm cùng học sinh vượt qua lo lắng hoặc các rào cản khác để quay lại trường học.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.