Covid-19 tiếp tục hoành hành, WHO cảnh báo về dỡ phong tỏa

Covid-19 tiếp tục hoành hành, WHO cảnh báo về dỡ phong tỏa

Hôm qua (1/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các quốc gia phải gỡ phong tỏa dần dần trong khi vẫn theo dõi Covid-19, sẵn sàng khôi phục lại những giới hạn nếu dịch bùng phát trở lại. Chuyên gia hàng đầu của WHO, tiến sĩ Mike Ryan cho rằng những cơ sở dễ bị tổn thương như nơi chăm sóc lâu dài, nhà tù, nơi ở của người nhập cư... cần được bảo vệ.

Thậm chí nếu virus được kiểm soát, các cộng đồng phải biết tiếp tục giãn cách và thực hiện các biện pháp vệ sinh, đồng thời việc xét nghiệm các ca nghi nhiễm phải tiếp tục – ông Ryan nói thêm.

Mỹ có 1.129.882 ca mắc Covid-19, gồm 34.859 ca mới. Số ca tử vong là 65.724, gồm 1.868 ca mới. Trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng mạnh, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép dùng thuốc chống virus Remdesivir của công ty Gilead để điều trị Covid-19. 

TT Trump cho đây là một bước đi quan trọng để chống dịch và công ty Gilead tuyên bố tặng 1,5 triệu liều thuốc hỗ trợ bệnh nhân, số thuốc này đủ dùng cho ít nhất 140.000 ca bệnh. Theo một số dữ liệu, Remdesivir giúp giảm 31% thời gian điều trị nhưng không làm tăng đáng kể cơ hội sống sót của bệnh nhân.

Italy có 207.428 ca, gồm 1.965 ca mới. Số ca tử vong là 28.236, gồm 269 ca mới. Hôm qua, Thủ tướng Conte đã xin lỗi người dân vì khó khăn kinh tế mà họ gặp phải, đồng thời hứa một tương lai tươi sáng hơn khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. 

Italy sẽ dỡ lệnh phong tỏa lâu nhất thế giới kéo dài 2 tháng vào thứ 2 tới và xem thời gian này đã đủ để tránh một làn sóng lây nhiễm mới hay chưa.

Anh có 177.454 ca, gồm 6.201 ca mới. Số ca tử vong là 27.510 ca, gồm 739 ca mới. Số liệu mới cho thấy người ở những khu vực khó khăn đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. 

Số ca tử vong ở Anh tiếp tục tăng lên khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tuyên bố nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 100.000 xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng 4. 

Tính đến 30/4, tổng số 122.347 ca xét nghiệm đã được thực hiện và ông Hancock cho đây là một “thành tựu lớn”. Chính phủ Anh đã đối mặt với sự chỉ trích trong nhiều tuần nay, đặc biệt là từ nhân viên y tế. Họ cho rằng mình không được xét nghiệm mặc dù phải tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Pháp có 167.346 ca, gồm 168 ca mới. Số ca tử vong là 24.594, gồm 218 ca mới. TT Pháp Macron hôm qua cho biết ngày dỡ lệnh phong tỏa 11/5 tới sẽ chỉ là bước đầu tiên khi Pháp tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. «Ngày 11/5 không phải là con đường dẫn đến cuộc sống bình thường» - ông Macron nói – «Sẽ có một số giai đoạn và 11/5 sẽ là một trong số đó».

Đức có 164.077 ca, gồm 1.068 ca mới. Số ca tử vong là 6.736, gồm 113 ca mới. Bất chấp dịch bệnh, hôm qua hàng trăm người Đức vẫn tụ tập tại quảng trường Berlin để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Họ bày tỏ sự thất vọng sâu sắc đối với các quy định giãn cách xã hội áp dặt ở Đức từ giữa tháng 3 để ngăn dịch lây lan. 

Cảnh sát Berlin đã triển khai 5.000 nhân sự tại thủ đô, chủ yếu họ chỉ đứng theo dõi đám đông từ xa. «Chúng tôi ngăn đám đông trở lên lớn hơn và sử dụng loa để nhắc mọi người giãn cách» - một phát ngôn viên cảnh sát cho biết và nói rằng tình hình nói chung vẫn yên bình.

Tình hình dịch Covid-19 tại một số quốc gia khác: Tây Ban Nha có 242.988 ca (gồm 3.648 ca mới), Thổ Nhĩ Kỳ có 122.392 ca (gồm 2.188 ca mới), Nga có 114.431 ca (gồm 7.933 ca mới), Iran có 95.646 ca (gồm 1.006 ca mới), Brazil có 92.109 ca, gồm 6.729 ca mới, Trung Quốc có 82.874 ca (12 ca mới), Canada có 55.061 ca (1.825 ca mới), Ấn Độ có 37.257 ca (2.394 ca mới), Peru có 40.459 ca (3.483 ca mới), Pakistan có 18.092 ca (gồm 1.619 ca mới), Singapore có 17.101 ca (932 ca mới), Indonesia có 10.551 ca (433 ca mới), Philippines có 8.772 ca (284 ca mới), Malaysia có 6.071 ca (69 ca mới)...

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ