Năm thứ hai của đại dịch Covid-19 đã không diễn ra dễ dàng đối với các quốc gia Đông Nam Á. Khu vực này đang phải trải qua những thảm kịch, khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng theo cấp số nhân.
Giới chuyên gia cho rằng, số người tử vong vì Covid-19 ở Đông Nam Á sẽ còn tăng mạnh. Bởi, tình trạng này thường xảy ra sau các đợt bùng phát mạnh ca nhiễm mới. Rất ít quốc gia Đông Nam Á thành công trong việc kiểm soát số ca mắc mới. Tỷ lệ tiêm chủng thấp dường như cũng góp phần vào khủng hoảng này. Song, đó chỉ là một phần.
Trước bối cảnh này, nhiều người đặt câu hỏi, liệu Đông Nam Á có thể “lật ngược thế cờ” trong nửa cuối năm nay? Theo các chuyên gia y tế, những quốc gia này cần thiết kế chiến lược tốt hơn.
Các chiến lược nên cải tiến những giải pháp lẽ ra đã quen thuộc và hợp lý. Trong đó, những biện pháp nên được “nâng cấp” bao gồm: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cũng như hạn chế di chuyển.
Theo đó, có lẽ, các quốc gia nên thực thi chính sách dựa trên bằng chứng cùng nguồn tài chính tốt và không có quá nhiều thủ tục. Nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách nên tích hợp với dịch vụ y tế tư nhân.
Bên cạnh đó, điều không thể phủ nhận là các quốc gia cần tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Để từng bước đạt được mục tiêu này, chính phủ các nước có thể xây dựng các trung tâm tiêm chủng tạm thời. Cách làm này đã được thực hiện tại các nhà thờ Hồi giáo ở vùng nông thôn Indonesia.
Ngoài ra, hợp tác với ngành y tế tư nhân như Malaysia hay Singapore đã làm. Song song đó, kết hợp phát triển vắc-xin của riêng mình, tương tự Việt Nam và Thái Lan. Một chiến lược khác là cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí đến các trung tâm tiêm chủng.
Các quốc gia cũng được khuyến cáo chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế, luật pháp, quy định và chính trị cho các vấn đề xung quanh việc tiêm chủng, như hộ chiếu vắc-xin và xét nghiệm kháng thể.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á trở thành “điểm nóng” Covid-19, đã đến lúc họ cần hợp tác tốt hơn và nhìn ra ngoài biên giới. Nhờ đó, tìm ra các giải pháp thích hợp. Một hệ thống mua sắm vắc-xin tổng hợp có thể hữu ích và nên được mô phỏng theo Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO).
Các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể tham gia tích cực hơn vào cuộc thảo luận toàn cầu về công bằng vắc-xin, cải cách y tế toàn cầu.
Nhiều người nhận định, các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay. Miễn là, họ tiếp thu tốt hơn các bài học trong năm 2020 cũng như từ các quốc gia khác. Khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc vào sự hiểu biết khoa học. Tiếp theo đó là cách hiện thực hóa phán đoán.