Covid-19 ở giai đoạn "thoái trào"

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, V2K chỉ nên là khuyến cáo, thay vì trở thành quy định bắt buộc.

Nhóm nguy cơ được khuyến cáo tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19.
Nhóm nguy cơ được khuyến cáo tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19.

Hiện, có 3 chỉ số cần theo sát là: Biến chủng mới, sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng, tình hình bệnh nhân chuyển nặng.

Trở lại “bình thường cũ”

Tính từ 16 giờ ngày 14/6 đến 16 giờ ngày 15/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 866 ca nhiễm mới. Trong đó, 0 ca nhập cảnh và 866 ca ghi nhận trong nước (tăng 10 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 784 ca trong cộng đồng).

Từ 17 giờ 30 phút ngày 14/6 đến 17 giờ 30 phút ngày 15/6, Việt Nam ghi nhận 0 ca tử vong. Ngoài ra, trong 7 ngày qua, nước ta cũng không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19. Tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 43.083, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Như vậy, tổng số ca tử vong của nước ta xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trước đó, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng: “Hiện nay, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh.

Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vắc-xin – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và trình Chính phủ. Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân”.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang - khử khuẩn.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định, Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn thoái trào. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện, có 3 chỉ số cần theo sát là: Biến chủng mới, sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng, tình hình bệnh nhân chuyển nặng.

“Các chỉ số này nếu phát sinh những vấn đề cần lưu ý thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chuyển trạng thái chống dịch. Như vậy, chúng ta không ngồi chờ diễn biến của Covid-19 mà chủ động phản ứng linh hoạt. Đã đến lúc trở lại “bình thường cũ” để hướng đến 2 mục tiêu là phục vụ lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế và tránh quá tải hệ thống y tế”, PGS Hiếu cho biết.

V2K không nên là bắt buộc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo, cần tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4 vắc-xin Covid-19 cho người dân một cách thần tốc, quyết liệt, đảm bảo an toàn khoa học. Đảm bảo tiêm hết cho các nhóm nguy cơ, người cao tuổi, công nhân lao động, học sinh, sinh viên…. Thứ trưởng Hương cũng lưu ý, các tỉnh tiếp nhận vắc-xin do Bộ Y tế cung cấp phải tiêm đúng, tiêm đủ, không được bỏ sót, lãng phí. Mặt khác, phối hợp các viện, tăng cường tập huấn hướng dẫn, đi kiểm tra giám sát, nhu cầu của người dân. Không được để người dân muốn tiêm nhưng không biết tiêm ở đâu.

Trong ngày 14/6, có 162.942 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 224.137.582 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.225.015. Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 17.509.316. Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 5.403.251.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, V2K chỉ nên là khuyến cáo, thay vì trở thành quy định bắt buộc. Theo chuyên gia này, việc mang khẩu trang có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây truyền theo đường hô hấp nói chung và Covid-19 nói riêng. Tuy nhiên, khẩu trang không thể mang lại tác dụng tuyệt đối.

“Mang khẩu trang chỉ nên khuyến cáo với những người mắc/ có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Không còn phù hợp nếu khuyến cáo tất cả mọi người đều phải mang khẩu trang mọi nơi, mọi lúc vì không hiệu quả, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Với một số người (trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp mãn tính…), mang khẩu trang liên tục còn có hại cho sức khoẻ”, PGS Hùng cho biết.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, ở trường học, đặc biệt là trong các kỳ thi sắp tới, không nên bắt buộc học sinh đeo khẩu trang. Bởi, dịch Covid-19 về cơ bản đã qua. Người dân đã trở lại cuộc sống “bình thường mới” vài tháng qua.

“Vậy có cần thiết phải mang khẩu trang ở mọi lúc mọi nơi không? Câu trả lời chắc là không. Bộ Y tế cần sớm đưa ra khuyến cáo phù hợp với tình dịch Covid-19 hiện nay”, PGS Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ