Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế nói gì?

GD&TĐ - Trước tình hình Covid-19 có xu hướng gia tăng, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có những trao đổi chính thức.

Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế nói gì?
GS. TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: BYT

GS. TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: BYT

PV: Bộ Y tế nhận định như thế nào về tình hình dịch Covid-19 hiện nay? Việc gia tăng số ca mắc Covid-19 từ đầu tháng 4 đến nay tập trung ở khu vực nào, nguyên nhân vì sao? Hiện biến thể nào đang chiếm ưu thế?

GS.TS. Phan Trọng Lân:

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát, giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua 105 ngày không ghi nhận trường hợp tử vong. Theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vaccine, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc) thì tất cả yếu tố đều là màu xanh và không vượt qua cấp độ 1.

Việc đánh giá tình hình dịch Covid-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố. Đó là:

Thứ nhất, là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.

Thứ hai, là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.

Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine. Vì thế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm.

Thứ ba, về biện pháp đáp ứng, vũ khí hiệu quả của Việt Nam là do chúng ta đã bao phủ vaccine phòng chống dịch Covid-19 rất cao. Với liều cơ bản, chúng ta bảo phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.

Trên thực tế, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc – nơi đang có sự giao mùa. Thống kê hiện nay là đã tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa đảm bảo.

Thời gian qua, Lào Cai, Hà Nội có xảy ra chùm ca mắc, tuy nhiên, các cấp chỉ đạo tiến hành chủ động vào cuộc nhanh chóng và kiểm soát được. Như Lào Cai sau 5 ngày không còn sự lan rộng ra nữa. Như vậy, chúng ta đánh giá chung tình hình thì số mắc trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, số nặng, nhập viện chưa có sự đột biến, do đó, tôi nhấn mạnh lại, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch.

Bộ Y tế đưa ra các biện pháp, khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là gì?

Ngày 12/4/2023, Bộ Y tế đã gửi công văn 2116/BYT-DP đến Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều biện pháp, trong đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh rà soát cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch, đồng thời, công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã/phường, khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Vì vậy, cùng với thực hiện đầy đủ khuyến cáo 2K + vắc xin và các biện pháp khác, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, người dân tiêm mũi 3 đã khá lâu, ông đánh giá khả năng bảo vệ của vaccine phòng Covid-19 như thế nào? Kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế trong thời gian tới ra sao?

Theo đánh giá của các chuyên khoa, một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng. Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.

Các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vaccine và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.

Việt Nam hiện đang tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp; bên cạnh đó vẫn đảm bảo việc huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch và đảm bảo thống nhất đáp ứng với các quốc gia trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.