Công việc của người thợ “đẽo ngọc”

GD&TĐ -Bài phát biểu “Những viên ngọc quý và công việc của người thợ đẽo ngọc” của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại lễ khai giảng vừa qua của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của học sinh, các bậc phụ huynh và giáo viên nhà trường.

Vai trò của GD không thể tính bằng lời nói bâng quơ
Vai trò của GD không thể tính bằng lời nói bâng quơ

Chuyện về những viên ngọc quý và công việc của người thợ đẽo ngọc, được ví von trong một ngôi trường có những học sinh tiềm năng, nói như PGS Nguyễn Kim Sơn: “Không phải tất cả các em đều là tài năng, nhưng các em là những viên đá quý giữa mênh mang gạch, đá, cát, sỏi trên đời, con đường các em cần đi là trở thành những viên ngọc quý và các thầy cô trong ngôi trường này phải là những người thợ đẽo ngọc, chuyển hóa từ đá quý sang ngọc sáng long lanh”.

PGS Nguyễn Kim Sơn, chỉ ra: Tài năng chỉ qua tôi rèn hun đúc đặc biệt mới có. “Ngọc bất trác bất thành khí” (ngọc mà không qua đẽo gọt thì không thành đồ quý). Không qua chọn lựa thì không thấy đá quý, đá quý đẽo gọt mới thành ngọc, ngọc gia công mài dũa mới thành vật thiêng quý. Phẩm chất năng khiếu mới chỉ là những đá quý, muốn thành ngọc - tài năng cần qua rèn luyện. Một bài phát biểu ngắn gọn, đầy xúc tích đã khẳng định vai trò của học trò và cũng chỉ ra trách nhiệm của người thầy. Nếu như trước đây mục đích của giáo dục chủ yếu là cố gắng đưa thật nhiều tri thức khoa học vào nội dung cần dạy mà ta thường nói là “truyền thụ một chiều”, dẫn đến việc học trở thành nặng nề, quá tải, thì ngày nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi nội dung dạy học thật tinh giản, cơ bản, hiện đại và thiết thực hơn.

Năm học cũ đã qua với nhiều kết quả tốt đẹp. Toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên. Ở các nhà trường, các cấp học trên cả nước, những hình ảnh đời thường thầy cô trèo đèo, lội suối dạy chữ cho các em. Học sinh đến trường bằng cách đi bè mảng, vượt sông đi học. Những hình ảnh hết sức dung dị và đời thường cho thấy, đất nước ta còn nghèo, nhưng người dân hiếu học biết nhường nào, các thầy cô giáo cũng vượt mọi gian khó để dạy chữ cho người dân. Năm học vừa qua cũng đặc biệt vui, khi các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao. Đây là nỗ lực rất lớn của cá nhân các em học sinh, trong đó có công sức không nhỏ của các thầy cô giáo, đã “Trác ngọc thành khí - Khai sáng, rèn dũa để những tài năng bừng sáng”.

Năm học mới đã đến với đầy động lực, hứng khởi, niềm tin cho những thành công mới. Các nhà trường ở mọi cấp học đang tích cực thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Giáo dục đang phát huy những thành quả của đổi mới, việc dạy và học trong các nhà trường sẽ tiếp tục mục tiêu chất lượng hơn. Vai trò của thầy cô giáo nặng nề hơn, các thầy cô sẽ phải “gia công” nhiều hơn nữa để “Ngọc thành khí - những tài năng học sinh tỏa sáng”. Giờ lên lớp, thay bằng truyền thụ kiến thức sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Quá trình dạy học cũng sẽ coi trọng nhiều hơn cả hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm, để hình thành và phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, vận dụng tổng hợp và linh hoạt tri thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt, vai trò của giáo viên trong điều hành hoạt động của học sinh tiếp tục hướng đến sự đa dạng, thống nhất, tương tác nhiều hơn, giáo viên thực sự giữ vai trò hướng dẫn, còn học sinh là đối tượng của hoạt động dạy nhưng đồng thời cũng là chủ thể của hoạt động học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.