Cong vẹo cột sống có thể phát hiện bằng mắt thường

GD&TĐ - Bằng mắt thường, cha mẹ, thầy, cô giáo có thể phát hiện ra tình trạng cong vẹo cột sống của trẻ, thậm chí ở người trưởng thành.

Cha mẹ cần kê bàn ghế học tập phù hợp với chiều cao của trẻ để tránh cong vẹo cột sống. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần kê bàn ghế học tập phù hợp với chiều cao của trẻ để tránh cong vẹo cột sống. Ảnh minh họa.

Phát hiện sớm để tránh biến chứng

Theo bác sĩ Tạ Hồng Nhung (chuyên ngành Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức), cong vẹo cột sống gây ảnh hưởng về ngoại hình của người bệnh. Nó gây mất cân đối, rối loạn tư thế, dị dạng cơ thể, hạn chế hoạt động. Điều này khiến bệnh nhân tự ti, mặc cảm trong cuộc sống.

Trong các trường hợp nặng, bệnh gây tác động đến các cơ quan khác như xẹp xương sườn khiến ngực lép, xẹp phổi làm giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp. Điều này dẫn đến suy tim, phù nề, khó thở, biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nữ giới.

Cong vẹo cột sống có thể chữa được nếu như phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh để lâu sẽ gây ra nhiều biến chứng liên quan tới các cơ quan khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, bệnh sẽ trở thành dị tật.

Từ đó gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm và kéo dài thời gian cũng như làm tăng thêm chi phí chữa bệnh. Đôi khi, bằng mắt thường, người lớn có thể quan sát kỹ để phát hiện sớm bệnh cong vẹo cột sống và có hướng điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Tạ Hồng Nhung, bệnh cong vẹo cột sống có thể nhận biết thông qua những triệu chứng lâm sàng. Theo đó, bằng mắt thường, cha mẹ có thể quan sát phần bả vai. Nếu hai bên bả vai có sự chênh lệch rõ rệt về độ lệch vẹo của xương sống và đoạn vẹo nghiêng về bên nào thì bả vai bên đó sẽ thấp hơn.

Đồng thời, người lớn cần quan sát phần hông của trẻ, nếu có sự chênh lệch bên thấp bên cao, thấy những lằn xương sườn hằn ra ngoài da ở một bên là biểu hiện của cong vẹo cột sống.

Nếu quan sát tổng thể lưng từ phía sau, vẹo cột sống thắt lưng khiến cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong bất thường. Biểu hiện rõ là các đốt sống gồ cao lên, xoáy vặn nhiều kiểu, hai đường hõm vào bên của eo.

Bên cạnh đó, bằng quan sát, có thể thấy cơ thể mất cân đối như lệch vẹo xương sườn, nặng thì nghiêng hẳn về một bên. Hoặc vẹo cột sống cổ có thể làm cổ bị kéo lệch về một bên.

Người trưởng thành bị vẹo cột sống có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, nhiều trường hợp gây mất chức năng vận động. Biểu hiện cụ thể là đau lưng, thắt lưng, cứng khớp.

Ngoài ra còn có tê chân, chuột rút, đau nhức do dây thần kinh bị chèn ép hoặc căng cơ lưng và chân. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác vẹo cột sống, cần thực hiện các phương pháp khám lâm sàng như xác định mức độ vẹo, độ mềm dẻo của cột sống và các triệu chứng của vẹo cột sống.

Cùng với đó là phương pháp khám cận lâm sàng như chụp X quang để đánh giá các đốt sống và cột sống. Chụp cộng hưởng từ để đánh giá các mô mềm như đĩa đệm, tủy sống, thần kinh.

Chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh xương và cấu trúc bên trong cột sống một cách rõ ràng. Ngoài ra, diện chẩn là phương pháp để kiểm tra sự dẫn truyền của các dây thần kinh và tủy sống.

“Bệnh cong vẹo cột sống có thể chữa được, đặc biệt là phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, cần quan tâm tới sức khỏe của chính mình và người xung quanh để có những điều trị kịp thời”, bác sĩ Nhung nhấn mạnh.

Phòng ngừa và điều trị

Cong vẹo cột sống có thể phát hiện bằng mắt thường ảnh 1
Tình trạng vẹo cột sống đang ngày một tăng lên, nhất là trong mùa dịch kéo dài 2 năm qua. Học sinh và nhiều tổ chức chuyển hình thức học tập, làm việc khiến những thói quen bị thay đổi gây ra cong vẹo cột sống. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cơ thể của trẻ nhỏ, cản trở chiều cao. 

Theo bác sĩ Lê Minh Đức, Khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học (Trung tâm Y tế Hà Nội) có nhiều phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống, phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân.

Biện pháp điều trị vẹo cột sống bao gồm phẫu thuật. Đây là phương pháp được chỉ định khi mức độ vẹo cột sống của bệnh nhân quá nặng. Nhất là đối với trẻ em, phẫu thuật dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Bên cạnh đó là phương pháp trị liệu thần kinh cột sống. Phương pháp này sử dụng tay để tạo ra lực chính xác tác động vào cấu trúc xương khớp sai lệch và nắn chỉnh lại. Sau đó, kết hợp vật lý trị liệu để làm mềm mô cơ vùng cột sống.

Có thể kết hợp với việc đeo đai cố định nếu bệnh nhân đang ở độ tuổi phát triển xương. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải luyện tập các bài tập vẹo cột sống mỗi ngày để rèn luyện cân bằng, sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

“Ðể phát hiện sớm cong vẹo cột sống và điều trị ngăn chặn ngay ở giai đoạn đầu, trẻ em nên được thường xuyên khám tầm soát cột sống 6 tháng/lần. Khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm cong vẹo cột sống giúp chỉnh sửa tư thế hoặc chuyển khám chuyên sâu và điều trị thích hợp nhằm cải thiện tư thế và hạn chế các biến chứng gây ra”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.

Ðối với cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Tám, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội), cho rằng, cách phòng ngừa tốt nhất là ngồi học đúng tư thế.

Cụ thể là ngồi thẳng lưng, hai bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn. Trẻ không ngồi rụt cổ, không để vở chéo 25 độ khi viết, để sách xa mắt trên 30 cm, nơi học đủ ánh sáng.

Cha mẹ cần kê bàn ghế học tập phù hợp với chiều cao của trẻ, không cho con mang cặp quá nặng. Ngoài ra, nên thường xuyên tập thể dục, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời chế độ dinh dưỡng bổ sung các chất có vitamin A, B, C, E…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ