Công ty cấp nước Nghệ An đánh tráo nguồn nước thô?

GD&TĐ - Người dân TP Vinh và một số vùng lân cận bức xúc trước việc Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An bơm nước thô từ sông Đào (huyện Nam Đàn) có biểu hiện của ô nhiễm. Tuy nhiên, đại diện công ty cho rằng, đơn vị sử dụng nguồn nước này không sai và chưa có văn bản của cơ quan chức năng nào kết luận nước sông Đào ô nhiễm.

Công ty CP Cấp nước Nghệ An
Công ty CP Cấp nước Nghệ An

Nước sông có biểu hiện ô nhiễm

Theo người dân sinh sống dọc sông Đào, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) phản ánh: Nhiều tháng qua, trạm bơm Cầu Mượu trên địa bàn lấy nguồn nước thô từ sông Đào để xử lý thành nước máy. Trong khi sông Đào mùa này nước cạn, đục và bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Nhà vệ sinh của các hộ dân và trang trại chăn nuôi đều xả thẳng xuống sông.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trạm bơm Cầu Mượu là của nhà máy nước Hưng Vĩnh (đóng tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh) thuộc Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Sông Đào chảy qua địa phận 5 xã và thị trấn của huyện Nam Đàn. Cạnh trạm bơm Cầu Mượu còn có một nhà máy sản xuất bia, trên thượng nguồn có các xí nghiệp dệt may, công ty chế tác vàng bạc, đá quý. Người dân nơi đây lo lắng trạm hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm bơm nước từ sông Đào hôi tanh có đủ tiêu chuẩn để sản xuất nước máy sạch hay không?

  • Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu nước thô sông Đào của trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An

Trong khi đó, tại các Văn bản số 9657 ngày 30/12/2015; Văn bản số 1315 ngày 10/3/2016, Văn bản số 6923 ngày 11/9/2017... của UBND tỉnh Nghệ An đều yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An không được lấy nước thô từ sông Đào mà phải lấy nước thô cấp từ Công ty CP Cấp nước sông Lam.

Gần đây nhất, ngày 26/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An có Thông báo số 261/TB-UBND “Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh về tình hình hoạt động cấp nước thô và sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận”. Trong kết luận này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Nghệ An “không sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt” và yêu cầu công ty này lấy nguồn nước thô từ sông Lam.

Tuy nhiên, thời gian qua trạm bơm Cầu Mượu thuộc công ty này vẫn bơm nước sông Đào với công suất 60.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, trạm bơm cầu Bạch với công suất 20.000m3/ngày đêm cũng được cho là đang lấy nước sông Đào.

Trạm bơm Cầu Mượu bơm nước thô trực tiếp từ sông Đào
  • Trạm bơm Cầu Mượu bơm nước thô trực tiếp từ sông Đào

Công ty khẳng định không làm sai

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Hoan - thành viên HĐQT Công ty CP Cấp nước Nghệ An không phủ nhận việc công ty bơm nước thô từ sông Đào (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn). Tuy nhiên, vị này cho rằng, trong công văn của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu công ty không sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm chứ không cấm sử dụng toàn bộ nước sông Đào. “Chỉ khi nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh thì đơn vị mới bị cấm sử dụng, còn Thông báo số 261/TB-UBND không kết luận nước sông Đào bị ô nhiễm”, ông Lê Đình Hoan nói.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng khẳng định, đơn vị có quyền khai thác, sử dụng nguồn nước thô từ sông Đào theo Quyết định số 2295/QĐ.UBND - NN ngày 4/7/2007 và Giấy phép số 390/GP-UBND ngày 29/1/2015 của UBND tỉnh để phục vụ sản xuất nước sinh hoạt. Đến nay, các giấy phép này vẫn chưa hết hạn.

Mỗi tháng 1 lần, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế) đều lấy mẫu nước thô tại trạm bơm nước Cầu Mượu kiểm nghiệm, phân tích. Tuy nhiên, theo phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An vào tháng 3/2019 cho thấy, chỉ số nitrit (NO2-) trong mẫu nước lấy từ sông Đào là 0,089 mg/L, vượt ngưỡng cho phép 0,05 mg/L. Kết quả quan trắc mẫu nước sông Đào tháng 3/2019, có 7/37 thông số vượt mức cho phép để sử dụng cho nước sinh hoạt.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An Chu Trọng Trang thông tin: Chỉ số NO2 - thể hiện tạp chất hữu cơ trong nước. Chỉ số này cao có nghĩa là tạp chất hữu cơ phân hủy từ xác động vật, thực vật trong nước cao, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm số QK: 238/19, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) của trung tâm quan trắc TN&MT (Sở TN&MT Nghệ An) cho thấy, từ ngày 1/3 - 28/3/2019 mẫu nước mặt sông Đào tại trạm bơm Cầu Mượu có 7/37 thông số thí nghiệm (A1) vượt mức tiêu chuẩn để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Lý giải về việc có nhiều chỉ số nước đầu vào ở sông Đào không đạt tiêu chuẩn nhưng công ty vẫn sử dụng, ông Hoan cho rằng: Việc xác định nước từ sông Đào ô nhiễm hay không phải quan trắc tự động, liên tục. Nếu chỉ đo đạc một thời điểm nào đó rồi đưa ra kết luận là chưa chính xác. Ông Hoan cũng khẳng định: Nguồn nước thô sau khi đưa về nhà máy sẽ phải qua hệ thống xử lý, lắng lọc. Khi nguồn nước đầu ra đủ điều kiện sạch, đạt các chỉ số mới bán cho người dân sử dụng.

Có đánh tráo nguồn nước?

Hiện tại, giá nước sạch ở TP Vinh và phụ cận của Công ty Cấp nước Nghệ An đang được bán với giá bình quân 10.800 đồng/m3 (cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh…). Mức giá này được quy định tại Quyết định số 41, ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng giá nước sạch. Trong đó có nêu: Giá này được tính trên cơ sở nguồn nước thô đầu vào ở TP Vinh và vùng phụ cận là 1.950 đồng/m3. Mức tiền 1.950 đồng/m3 là giá theo thỏa thuận đã ký giữa Công ty Cấp nước sông Lam bán cho Công ty Cấp nước Nghệ An (được hiểu là nước thô lấy từ sông Lam).

Vấn đề đặt ra, Công ty Cấp nước Nghệ An đang tiếp tục lấy nước sông Đào làm nước thô (theo quy định có giá 900 đồng/m3 đối với nguồn nước thô lấy từ ao hồ tự nhiên, công trình thủy lợi…), nhưng vẫn bán nước máy cho người dân với giá tiền điều chỉnh của Quyết định số 41. Nếu công ty không lấy nước thô từ Công ty Cấp nước sông Lam, thì phải giảm giá tiền nước cho người dân.

Công ty CP Cấp nước Nghệ An (tiền thân là Nhà máy nước Vinh) có vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đang nắm giữ 51% cổ phần. Hiện công ty đang quản lý, vận hành 13 nhà máy nước, trạm cấp nước gồm nhà máy nước Hưng Vĩnh và cầu Bạch, các trạm nước Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương. Theo báo cáo tài chính của công ty, quý 1/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 56,4 tỷ đồng, cao hơn quý 1 năm 2018 gần 12 tỷ đồng (44,6 tỷ đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...