Công thức lý tưởng trong đào tạo nghề ngành Logistics

GD&TĐ - Logistics đang là nghề “hot” tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ. Nằm tại nơi được mệnh danh là “trái tim” của khu công nghiệp Hố Nai, Trảng Bom (Đồng Nai), Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi có được thuận lợi trong tuyển sinh và đào tạo nghề Logistics, học viên ra trường đều có việc làm ngay.

Công thức lý tưởng trong đào tạo nghề ngành Logistics
TS Nguyễn Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi
 TS Nguyễn Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi

Trao đổi với báo GD&TĐ, TS Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi cho rằng, công thức lý tưởng nhất trong đào tạo nghề ngành Logistics chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

* Được biết nhà trường bước đầu tham gia vào Chương trình Aus4Skills– đào tạo nghề Logistics có sự dẫn dắt của doanh nghiệp. Ngay từ ngày đầu tham dự, nhà trường có sự thay đổi về tư duy, tầm nhìn, cách thức trong đào tạo như thế nào?

- Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình là phải xây dựng được một chuẩn đào tạo theo mục tiêu của Chương trình đã đề ra. Nhà trường chuẩn bị đầy đủ các năng lực, cơ sở vật chất, giáo viên để tham gia Chương trình. Mục tiêu quan trọng nhất Aus4Skills đưa ra là việc đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với các tiêu chuẩn, nhu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là chiến lược trong thời gian tới của nhà trường.

* Xin ông cho biết trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường có kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Logistics hay không khi đã xác định được hướng đi rất bài bản như vậy?

- Năm 2018 – 2019, trường tăng thêm khoảng 70 chỉ tiêu các nghề mới về Logistics. Tôi cho rằng đây là việc nhà trường cần phải làm để góp phần vào chiến lược chung phát triển ngành Logistics ngày một tốt hơn.

Hy vọng chúng tôi sẽ tuyển sinh và đào tạo được theo đúng các chuẩn kỹ năng nghề đã đề ra. Theo đó, trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ có một lực lượng công nhân, lao động cao, đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ năng của Chương trình Aus4Skills, tham gia thị trường lao động một cách tốt nhất.

* Với chỉ tiêu tăng thêm trong tuyển sinh ngành Logistics này, ông đã có liên kết gì với các doanh nghiệp để giới thiệu về  nguồn cung lao động chất lượng, có sự kết nối cung – cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp?

- Đây là việc làm thường xuyên của chúng tôi. Khi mở ra một ngành đào tạo nghề mới, chúng tôi phải giới thiệu với các doanh nghiệp về tiêu chuẩn, kỹ năng và trình độ của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đưa vào thị trường lao động.

Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp rất hào hứng và có đặt hàng riêng với nhà trường để sau khi lứa học sinh được đào tạo về ngành Logistics tốt nghiệp sẽ được nhận về các doanh nghiệp để làm việc.

Học viên thực hành nghề Forklift Operator (Lái xe nâng hàng)
 Học viên thực hành nghề Forklift Operator (Lái xe nâng hàng)

* Xin ông cho biết cơ hội nghề nghiệp và mức lương của nghề Forklift Operator (Lái xe nâng hàng) đang được nhà trường tổ chức đào tạo cập nhập tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn là như thế nào?

- Có thể thấy trong tất cả các doanh nghiệp, việc nâng bốc xếp hàng hóa rất quan trọng bởi liên quan đến kho bãi,theo đó, cơ hội việc làm nghề này là rất lớn. Mức lương khi các em mới ra trường là khoảng 7 triệu đồng/tháng, và sau khoảng 1-2 năm làm việc, mức lương có thể tăng lên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với điều kiện sống tại khu công nghiệp Đồng Nai và các khu vực lân cận, mức lương này là tương đối.

* Với vai trò là người quản lý một trường dạy nghề, trăn trở lớn nhất hiện nay của ông là gì?

- Điều khiến tôi luôn suy nghĩ là làm sao đảm bảo đào tạo giáo viên đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn của Chương trình Aus4Skills đã đề ra. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện nay của các trường dạy nghề chưa tương thích được với các trang thiết bị của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đào tạo trong các trường nghề phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp, muốn đào tạo, thực tập thực hành nâng cao, nhà trường phải nhờ sự giúp đỡ của doanh nghiệp.

Đất nước ngày càng phát triển, cơ hội hợp tác quốc tế rất nhiều. Chúng ta cần có các tiêu chuẩn quốc tế áp vào tiêu chuẩn của Việt Nam để làm sao trong thời gian ngắn ta đạt được tiêu chuẩn ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Chương trình Australia), Ban Tư vấn đào tạo ngành Logictics đã ra mắt với sự góp sức của Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi. Hiện 7 cán bộ quản lý và giáo viên của nhà trường đang ở Australia, tham gia các khóa đào tạo tập huấn quản lý, đánh giá và xây dựng các tiêu chuẩn nghề để tiến tới xây dựng chương trình đào tạo cho 4 nghề Logictics theo tiêu chuẩn nghề của Australia là Logistics Administration Officer, Warehouse Supervisor, Forklift Operator, Warehouse Oprator.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ