Công tác xã hội trong trường học: Nhịp cầu nối yêu thương

GD&TĐ - Dịch Covid-19 khiến nhiều học sinh, sinh viên lâm vào tình cảnh khó khăn, không ít em mồ côi cha mẹ.

Phòng GD&ĐT thị xã Thuận An (Bình Dương) phát động chương trình Tiếp sức đến trường năm 2022, nhằm hỗ trợ học sinh trên địa bàn.
Phòng GD&ĐT thị xã Thuận An (Bình Dương) phát động chương trình Tiếp sức đến trường năm 2022, nhằm hỗ trợ học sinh trên địa bàn.

Thông qua công tác xã hội, các cơ sở giáo dục đã kết nối với cộng đồng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau, mang lại niềm vui, tình cảm ấm áp trong dịp Tết đến, xuân về.

Cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch

Trước tình trạng nhiều học sinh, sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thâm chí sớm mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thông qua hoạt động công tác xã hội, kết nối với cộng đồng để tìm nguồn hỗ trợ cho các em.

TPHCM là địa phương chịu nhiều tổn thất trong đại dịch lần này. Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây (BITEX) và Anh Khuê Watch đã trao 400 suất học bổng chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch”.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị BITEX Group - cho biết: Chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” dự kiến được thực hiện xuyên suốt 5 năm từ 2022 - 2027 với 800 suất, tổng ngân sách lên đến 10 tỷ đồng. Chương trình có thể tăng thêm ngân sách tùy vào điều kiện kinh doanh của công ty và phát sinh thêm số trẻ em mồ côi cần hỗ trợ. Trong đó, BITEX và Anh Khuê Watch đề xuất tài trợ 50% trường hợp tại TPHCM với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, do đây là địa phương thiệt hại nặng nhất trong đại dịch. 50% còn lại được phân bổ rộng khắp các tỉnh, thành khác.

“Chương trình được thực hiện theo nội dung ký kết ngày 22/12/2021 với Bộ GD&ĐT. Các em sẽ được BITEX – Anh Khuê Watch hỗ trợ trong suốt hành trình 12 năm học. Với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, sự hỗ trợ kéo dài tới khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông…”, ông Nguyễn Xuân Dũng chia sẻ.

Quận 8 là một trong những địa phương tại TPHCM gặp nhiều khó khăn và chịu tổn thất trong đại dịch vừa qua. Theo thống kê từ 27/4/2021 đến ngày 17/1/2022, toàn quận có 274 trẻ, học sinh, học viên đang học ở các trường trên địa bàn có cha hoặc mẹ mất do dịch Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Quận ủy, Phòng GD&ĐT Quận 8  yêu cầu các cơ sở giáo dục huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội chung tay để học sinh kém may mắn được hỗ trợ học bổng, trang thiết bị học tập. Đồng thời, đơn vị phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 8 triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán cho các em.

Em Nguyễn Quỳnh Anh (phải) - học sinh Trường THCS Bình Đông (Quận 8, TPHCM) nhận quà hỗ trợ từ các đơn vị.
Em Nguyễn Quỳnh Anh (phải) - học sinh Trường THCS Bình Đông (Quận 8, TPHCM) nhận quà hỗ trợ từ các đơn vị.

Theo ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, từ khi triển khai, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, tổ chức. Kết quả có hơn 1.200 lượt học sinh và hơn 500 cán bộ/giáo viên/nhân viên được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Thành phố Thuận An cũng là địa bàn ghi nhận nhiều học sinh mồ côi do dịch Covid-19 của tỉnh Bình Dương. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thuận An - chia sẻ: Toàn thị xã có 120 học sinh bị mồ côi do Covid-19 và khoảng 2.000 học sinh nghèo, khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến.

Phòng GD&ĐT và các trường đã huy động tặng gần 2.000 thiết bị học trực tuyến, sim, card… với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Các trường hợp học sinh mồ côi được hỗ trợ từ 1,5 - 2 triệu đồng, đồng thời địa phương vận động tặng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, SGK, đồng phục. Học sinh mồ côi tới trường không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Đối với giáo viên, phòng GD&ĐT hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng khi bị F0 và tình nguyện viên chống dịch bị F0…

“Học sinh, sinh viên, giáo viên rất vui và xúc động khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của ngành GD và các tổ chức công tác xã hội. Đây là động lực để giáo viên, người học tiếp tục dạy tốt, học tốt. Đặc biệt, Chương trình Tiếp sức đến trường được phòng GD&ĐT phát động ngày 17/1, ủng hộ học sinh bậc tiểu học với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ nhằm chăm lo cho các em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 gây nên…”, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thuận An thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị BITEX Group và ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM) trao học bồng “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” cho học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị BITEX Group và ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM) trao học bồng “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” cho học sinh.

Giảm thiểu tổn thương tâm lý cho trẻ em mồ côi

Bên cạnh chăm lo về kinh tế, chăm sóc về tổn thương tâm lý, tinh thần đối với những học sinh bị mồ côi do Covid-19 cũng là vấn đề khiến nhiều tổ chức, đơn vị trăn trở.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, nhóm nghiên cứu Tâm lý học giáo dục của trường đang triển khai nhiệm vụ nghiên cứu “Giảm thiểu tổn thương của trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19 ở một số quận và thành phố Thủ Đức tại TPHCM”. Thời gian triển khai từ quý IV/2021 đến quý III/2022.

Mồ côi là một trải nghiệm đau đớn, không thể chối từ ngay cả cố gắng dùng ý chí để ám thị hay đánh lừa bản thân. Chia sẻ điều này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói: Mất mát khi mồ côi không gì so sánh được, nhất là khi người đã mất có sức ảnh hưởng đặc trưng đối với con cái dựa trên mối quan hệ gắn bó. Đại dịch Covid-19 là một sang chấn, diễn ra với những ám ảnh ngay trong những trải nghiệm, với trẻ em, chúng vẫn tồn tại và tác động đến cuộc sống của các em và tạo ra những thương tổn sâu sắc. Vì thế, việc thực hiện giảm thiểu tổn thương của trẻ em mồ côi là nhiệm vụ rất nhân văn và cấp thiết.

“Mục tiêu của đề tài nhằm đề xuất một số tác động góp phần giảm thiểu tổn thương tâm lý của trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiến hành thử nghiệm một số tác động cụ thể dựa trên khung giới hạn góp phần giảm thiểu tổn thương”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trường học cần thực sự quan tâm đến giáo dục trẻ em nhất là trẻ nhạy cảm, yếu thế với những tổn thương tâm lý liên quan đến đại dịch Covid-19. Hơn ai hết, mỗi thầy cô cần tìm hiểu, thấu cảm, đồng hành, sát cánh và nâng đỡ các em. Chúng ta đồng hành không chỉ là hành động mà cả những lời nói, thái độ trong từng khoảnh khắc, theo sát các biểu hiện có vấn đề và nâng niu từng biểu hiện tích cực, thay đổi thích nghi và phát triển của trò.

“Giáo dục con người chính là chắp cánh, mong mỗi người hãy chắp cánh để các em vượt qua tất cả thách thức và cơn bão cuộc đời đã ập đến quá khủng khiếp; để các em hiểu rằng vẫn còn đó tình yêu thương và sự gắn kết của nhiều người nhất là thầy cô, nhà giáo dục…”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Thông qua công tác xã hội, nhà trường đã kết nối với cộng đồng thông qua nhiều hình thức: Chuyến xe nhân ái hay chuyến xe nghĩa tình dành cho sinh viên có nhu cầu về quê sum họp; quan tâm cụ thể đến từng trường hợp của giảng viên nhất là thầy cô trẻ để xem xét và động viên bằng nhiều hình thức; phối hợp với Công đoàn trường và Công đoàn cơ sở để sáng tạo quà tặng mùa xuân cho các gia đình với nhiều hình thức…

Dù có những thách thức nhưng năm nay Trường ĐH Sư phạm TPHCM vẫn tiếp tục duy trì tinh thần tình nguyện đã trở thành “đặc sản” của những người trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên và sinh viên của trường.

Ông Nguyễn Xuân Dũng (bên phải) - Chủ tịch Hội đồng quản trị BITEX Group trao học bổng “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” tượng trưng cho ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM.
Ông Nguyễn Xuân Dũng (bên phải) - Chủ tịch Hội đồng quản trị BITEX Group trao học bổng “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” tượng trưng cho ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM.

Ấm lòng… giữa đại dịch

Ngày 27/7/2021, thầy Nguyễn Văn Tiếng - Hiệu trưởng Trường THCS Dương Bá Trạc (Quận 8, TPHCM) qua đời do mắc Covid-19, để lại em Nguyễn Quỳnh Anh - học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đông (Quận 8) và Nguyễn Tiếng Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Thị Định. Ba mất còn mẹ thất nghiệp nên cuộc sống hai em gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Sen - mẹ của hai em - nói: “Lâu nay, tôi chỉ ở nhà nội trợ lo đón 2 cháu đi học. Ba hai cháu mất tôi cũng không biết làm gì để mưu sinh. Thời gian qua cũng may gia đình nhận được nhiều hỗ trợ từ UBND phường 7, Mặt trận Tổ quốc, một số nhà hảo tâm… Có đơn vị làm cho cháu thẻ ATM và mỗi tháng nhà hảo tâm chuyển khoản cho 1 triệu đồng. Cha, mẹ mất do Covid là sự mất mát lớn nhất của các em nhỏ, tôi rất vui và cảm thấy ấm lòng khi con được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ trong thời gian qua”.

Lần lượt nhận thông tin cha mẹ “đi chữa bệnh Covid và không trở nhà nữa”, Phan Gia Lạc (học sinh lớp 7A20, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TX Thuận An, Bình Dương) và Phan Tuấn Kiệt (học lớp 11, Trường THPT Lý Thái Tổ, Bình Dương) đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau.

Chị Võ Thị Thúy An - dì ruột của Gia Lạc, Tuấn Kiệt - tâm sự: Anh Phan Tuấn Anh (ba của 2 cháu) sau 15 ngày nằm điều trị thì mất tại Bệnh viện dã chiến Phú Chánh. Còn chị Võ Thị Tuyết Nga (mẹ của 2 cháu) mất sau 23 ngày điều trị Covid-19.

“Ba mẹ hai cháu có tiệm may và nhận hàng để may gia công. Ban đầu 2 cháu rất buồn, nhưng sau đó nhờ thầy cô giáo, nhà trường cùng gia đình động viên nên tâm lý, học hành cũng ổn định dần. Thời gian qua, hai cháu cũng nhận được sự hỗ trợ từ một số đơn vị, nhà hảo tâm, trong đó giáo viên chủ nhiệm của Phan Gia Lạc đã đóng toàn bộ học phí cho cháu. Nhìn chung, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn do không còn bố mẹ, tuy nhiên những hỗ trợ của nhà trường, cộng đồng thời gian qua phần nào giúp cho cuộc sống và việc học hành của hai cháu dần ổn định”, chị Võ Thị Thúy An cho hay.

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (thị xã Thuận An, Bình Dương) có 12 học sinh bị mất cha hoặc mẹ do Covid-19. Theo thầy Nguyễn Trung Toàn - Hiệu trưởng nhà trường, Phan Gia Lạc (HS lớp 7A20) là trường hợp đặc biệt. Nhà trường sẽ cố gắng kêu gọi, hỗ trợ các em học tới lúc ra trường.

Nhận học bổng từ chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch”, Dương Thành Tiến (học sinh lớp 9A6 Trường THCS Vân Đồn, Quận 4, TPHCM) có mẹ bị mất vì Covid-19 bộc bạch: “Mẹ mất khoảng 5 tháng rồi, em và cả nhà ngày nào cũng nhớ mẹ. Không có mẹ cuộc sống của ba và các anh em trở nên trống trải. Vì thế, khi nhận được sự hỏi han, động viên và học bổng của chương trình khiến em thấy mình có sự an ủi, chia sẻ nhiều hơn, bớt buồn hơn. Chương trình sẽ đồng hành trong 5 năm tới, em cảm thấy có sự gắn bó như có thêm người thân nên sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau mất mẹ để cố gắng học tập”, Dương Thành Tiến chia sẻ.

“Trong đại dịch này, học sinh nào cũng khó khăn vì phải vừa học trực tuyến, vừa học trực tiếp nhưng với trẻ mồ côi còn thiệt thòi hơn nữa vì chịu cú sốc tinh thần, thiếu thốn vật chất. Vì thế, các em rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cả xã hội. Chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” hỗ trợ thiết thực đối với đời sống của các em hiện nay. Tôi mong nhiều doanh nghiệp sẽ giống như BITEX tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng học sinh mồ côi do đại dịch Covid-19 trong chặng đường dài thiếu vắng cha, mẹ đến khi các em trưởng thành”. - ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ