Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024; Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của ngành Giáo dục Thái Bình chiều 14/11.
Xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo
Năm học 2022-2023 là năm học đánh dấu giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; là năm thứ 10 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá: Mặc dù ngành Giáo dục cả nước vẫn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng các tập thể, cá nhân ngành Giáo dục Thái Bình đã đoàn kết, nỗ lực thi đua, nỗ lực học tập, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm học, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì tốt; kỉ cương, nền nếp, an toàn trường học tiếp tục được thực hiện tốt; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi. Hoàn thành việc công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập tiểu học, THCS cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2 năm 2022.
Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học và giáo dục; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng; thực hiện nghiêm túc công tác công khai, kiểm định chất lượng giáo dục.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được củng cố, tổ chức tốt các kỳ thi, cuộc thi cho học sinh và giáo viên trong toàn ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Công tác truyền thông trong giáo dục tiếp tục được thực hiện chủ động, hiệu quả.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Năm học 2022-2023, nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được tặng thưởng Huân chương các loại, các hạng, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng khác.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích xuất sắc mà ngành Giáo dục Thái Bình đã được trong năm học vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện Trường THPT Bắc Duyên Hà. |
6 nhiệm vụ cần tập trung
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo tổng kết của ngành Giáo dục Thái Bình, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đồng thời đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác thi đua, khen thưởng; trước hết là nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; cùng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng. Hai phong trào được Thứ trưởng nhấn mạnh là Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” và phong trào của toàn ngành Giáo dục là đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập.
Hai là:Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Cần xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao cờ của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2022-2023. |
Ba là:Ngành Giáo dục của tỉnh tiếp tục tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện.
Triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh đã phát động, trong đó tiếp tục tập trung triển khai phong trào thi đua "Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình"; “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và phong trào thi đua trên lĩnh vực cải cách hành chính.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát động các phong trào thi đua để thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và việc đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là: Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị. Quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc.
Cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.
Năm là:Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để thực hiện hiệu quả công tác này.
Sáu là: Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng, thực hiện đồng bộ cả 3 khâu: phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt. Việc khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc, dân chủ, công khai, đúng quy định, tạo sự lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình sẽ phát triển sâu rộng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.