Thi đua, khen thưởng phải gắn liền với nhân rộng điển hình tiên tiến

GD&TĐ - Ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học và tập huấn công tác thi đua, khen thưởng. 

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và tập huấn công tác thi đua khen thưởng (Ảnh: Minh Đạo)
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và tập huấn công tác thi đua khen thưởng (Ảnh: Minh Đạo)

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 và tập huấn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành GD&ĐT toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, ngành GD&ĐT đang tích cực triển khai thực hiện phong trào “đổi mới và sáng tạo” trong quản lý, giảng dạy và học tập, triển khai số hóa trong toàn ngành. Vì vậy công tác thi đua, khen thưởng phải triển khai thế nào để thực sự đạt được yêu cầu chủ trương này, tìm được sự đồng thuận cao từ xã hội.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và tập huấn công tác thi đua khen thưởng (Ảnh: Minh Đạo).

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và tập huấn công tác thi đua khen thưởng (Ảnh: Minh Đạo).

Để công tác thi đua, khen thưởng thực chất, đem lại nhiều ý nghĩa tích cực, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, các bộ phận trong hệ thống giáo dục. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng của ngành GDĐT từ bộ đến sở, phòng, các cơ sở giáo dục cần được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ, kịp thời để nâng cao năng lực, có trách nhiệm cao trong thực thi.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho biết, từ năm học 2022-2023 mỗi năm toàn ngành sẽ chọn trung bình 200 nhà giáo tiêu biểu ở tất cả các cấp học, bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường chuyên biệt, đại học và cao đẳng. Riêng năm nay, kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ chọn thêm 200 nhà giáo tiêu biểu, trong đó chọn 40 nhà giáo tiêu biểu nhất để gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì vậy công tác triển khai ở cơ sở rất quan trọng để đạt được tính lan tỏa tích cực.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Thi đua, khen thưởng của Bộ GD&ĐT đã đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác này trong năm học 2022-2023. Năm học 2022-2023, đối với cụm thi đua khối các Sở GDĐT, Bộ chia 8 cụm thi đua.

Thời gian qua, việc tổ chức họp cụm thi đua và tự chấm điểm của các đơn vị trong cụm còn mang tính hình thức… Việc khen thưởng các tập thể và cá nhân cấp trung học phổ thông nhiều hơn bậc học mầm non và cấp tiểu học… Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong những năm qua thực sự chưa hiệu quả, mới chỉ thực hiện khi tiến hành tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến, tổ chức Đại hội thi đua yêu nước, hoặc khi có sự kiện hoặc khi được cấp trên yêu cầu, chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên.

Ngoài tập huấn về những điểm mới trong công tác thi đua, khen thưởng; các danh hiệu thi đua, khen thưởng được quy định từ các văn bản pháp quy, các đại biểu còn nêu một số vấn đề về thực hiện công tác thi đua, khen thưởng phát sinh từ thực tế ở cơ sở để lãnh đạo Bộ GDĐT ghi nhận và Vụ Thi đua khen thưởng giải đáp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ