Công tác thi đua khen thưởng góp phần nâng cao chất lượng GD

Công tác thi đua khen thưởng góp phần nâng cao chất lượng GD

(GD&TĐ) - Thời gian qua, ở các cấp đơn vị, hoạt động thi đua khen thưởng (TĐKT) đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng GD và khẳng định thương hiệu nhà trường. Nhờ có sự linh động và sáng kiến nên công tác  TĐKT đã đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực. 

Vừa qua Đoàn công tác của Bộ GD& ĐT do Thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu đã đến làm việc tại một số trường và đơn vị nhằm kiểm tra, khảo sát và trao đổi kinh nghiệm trong công tác TĐKT. Đoàn đã đến làm việc tại trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), Sở GD& ĐT TP. HCM và trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Mỗi đơn vị có những sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác TĐKT, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ. 

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Trần Quang Quý làm việc tại trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Trần Quang Quý làm việc tại trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai

Khẳng định thương hiệu nhà trường từ thi đua khen thưởng 

Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý thì công tác TĐKT được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc. Thời gian qua TĐKT trong ngành có nhiều chuyển biến tích cực, đã tạo nên không khí thi đua, phấn đấu sôi nổi trong toàn ngành. Tuy nhiên trong TĐKT vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Các trường cần tiếp tục triển khai, bổ sung, kiến nghị về công tác TĐKT để góp phần đổi mới công tác TĐKT phù hợp với tình hình hiện nay… 

Trường ĐH Lạc Hồng, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) có phong trào TĐKT rất sôi nổi từ Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên và SV toàn trường. Nhờ triển khai tốt công tác TĐKT nên nhà trường đã đạt được những thành công đáng khích lệ trong đảm bảo chất lượng đào tạo và phát triển nhà trường. TS Trần Hành- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường luôn nhận thức tốt trong công tác TĐKT. Không phải chỉ nói suông mà chúng tôi thực hiện ngay trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực,… Dù là trường ngoài công lập nhưng vấn đề TĐKT được sự ủng hộ của nhà trường, tập thể cán bộ, giảng viên và SV. Cái cơ bản nhất là chúng tôi xây dựng trường ĐH truyền thống, xây dựng nhà trường có nền tảng vững mạnh từ đội ngũ, cơ sở vật chất đến việc đào tạo giảng viên, chăm lo đời sống cán bộ, giảng viên,…”. 

Thi đua thể hiện trong công tác cán bộ; trong công tác đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; liên kết đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thi đua còn thể hiện trong việc phát triển cơ sở vật chất; trong công tác từ thiện… Công tác TĐKT tại trường đã mang lại những thành tích nhất định, đem lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định thương hiệu nhà trường. Từ thi đua mà tập thể cán bộ, giảng viên, SV nhà trường cho ra đời phần mềm quản lý hệ thống bán hàng; Robot lau kiếng nhà cao tầng; Máy chấm điểm thi trắc nghiệm; Máy nhập điểm tự động. Tiêu biểu cho công tác nghiên cứu khoa học, năm 2010 tại cuộc thi sáng tạo Robocon trường ĐH Lạc Hồng đã đăng quang vô địch và đạt giải Á quân cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á Thái Bình Dương. Trường còn có nhiều đề tài đã được Sở KHCN tỉnh nghiệm thu. Qua đó nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành, địa phương trao tặng các phần thưởng cao quý. Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao những nỗ lực của nhà trường trong TĐKT thời gian qua. Nhà trường đã tham gia các hoạt động phong trào thi đua của ngành và phong trào thi đua yêu nước. Là trường ĐH ngoài công lập nhưng trường có nhiều sáng kiến trong thực hiện TĐKT. Gắn đào tạo bám sát nhu cầu xã hội và nhu cầu doanh nghiệp và có nhiều mô hình tốt đáng học tập trong phong trào thi đua. Trong đó có nhiều nỗ lực nghiên cứu khoa học trong toàn thể nhà trường… 

Tuy nhiên công tác TĐKT của trường còn những mặt tồn tại như chưa theo dõi sát sao đến từng công việc của từng cá nhân để đánh giá mức độ chính xác, kịp thời khen thưởng cũng như nhân rộng điển hình tiên tiến để mọi người học tập. Có nhiều cá nhân trong năm học đạt thành tích xuất sắc nhưng khi viết báo cáo lại không thể hiện hết, làm việc đánh giá còn hạn chế. Phong trào thi đua tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều, do tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn nên một số đơn vị trong trường vẫn còn chậm đổi mới hình thức và nội dung cũng như biện pháp tổ chức phong trào thi đua tại đơn vị.

Trường ĐHSP TP. HCM là 1 trong 14 trường ĐH trọng điểm quốc gia và là 1 trong 2 trường ĐHSP lớn nhất cả nước, đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu trong hệ thống các trường Sư phạm và phổ thông ở phía Nam. Nhà trường luôn chú trọng triển khai Luật TĐKT và các văn bản quy định về TĐKT. Xem công tác TĐKT là động lực thúc đẩy các tập thể và cá nhân phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó tổ chức phong trào thi đua; Tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Trường có hệ thống mạng lưới thông tin như website, Bản tin, Thông tin Công đoàn,… phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền và các nội dung TĐKT. Theo đó nhà trường sẽ đưa hình ảnh, thành tích những cá nhân, tập thể được khen thưởng lên website của trường để toàn thể cán bộ, giảng viên, SV biết để học tập noi theo… Ông Nguyễn Kim Hồng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công tác TĐKT hằng năm được trường triển khai và hướng dẫn đến tận các đơn vị và cá nhân. Vào đầu mỗi năm học, trường đều có hướng dẫn các cá nhân và tập thể đăng ký danh hiệu thi đua nên các đơn vị chú trọng đến công tác thi đua và chú ý đến các hình thức khen thưởng. Công tác TĐKT luôn được cập nhật và cải tiến các biểu mẫu để đơn vị, cá nhân thuận tiện trong việc báo cáo”. Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, thời gian qua trường thực hiện nghiêm túc công tác TĐKT. Thứ trưởng cũng đề nghị trường tiếp tục thực hiện tốt công tác TĐKT và phải có mục tiêu cụ thể, có phong trào cụ thể. Tổ chức thực hiện đánh giá phong trào TDKT và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của toàn trường... 

Khó khăn mà trường ĐHSP TP. HCM gặp phải trong quá trình triển khai công tác TĐKT như: Khi cụ thể hóa tiêu chí được nêu trong Thông tư 21/2008 của Bộ GD& ĐT, trường đã đưa ra một số tiêu chuẩn quá cao, dẫn đến số lượng TĐKT bậc cao của trường còn ít. Công tác thi đua có lúc chưa kịp thời, một số đơn vị còn chậm trễ trong báo cáo TĐKT. Công tác xét danh hiệu thi đua ở một số đơn vị có kết quả không thống nhất. Một số cá nhân không muốn đăng ký thi đua để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Theo ông Nguyễn Kim Hồng thì việc xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” khó, việc nữa là nếu đạt được danh hiệu này là một trong những tiêu chí được xét nâng bậc lương trước hạn nên dẫn đến tình trạng “nhường” nhau để đạt danh hiệu này… 

Nỗ lực nhân rộng phong trào thi đua 

Với số lượng đơn vị và cán bộ công chức của ngành đông đảo, ngành GD TP. HCM có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học cũng như công tác TĐKT. Ngành chú trọng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý về vai trò quan trọng của công tác TĐKT trong tình hình mới để lãnh đạo các đơn vị xây dựng nội dung, phương pháp thực hiện công tác TĐKT bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị luôn tự giác, gương mẫu, đi đầu trong phong trào thi đua. Quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy và nhân điển hình tiên tiến, mô hình mới. Động viên khen thưởng kịp thời, chính xác. TS Huỳnh Công Minh- Giám đốc Sở GD& ĐT TP. HCM cho biết: “Ngành GD TP. HCM từ những kết quả đạt được sẽ cố gắng phát huy tốt nhất trong công tác TĐKT. Công tác TĐKT rất quan trọng và cực kỳ khó khăn, phải làm thật chỉnh chu và tiến hành ngay từ đầu năm học để chủ động, có kế hoạch để tập thể, cá nhân lao động, sáng tạo có hiệu quả nhất…” 

Vừa qua, số đơn vị xuất sắc của từng ngành học, bậc học được hội đồng thi đua ngành đề nghị nhận Cờ thi đua của UBND thành phố, của Bộ GD& ĐT. Số GV đạt danh hiệu GV giỏi ngày càng tăng. Bên cạnh các đơn vị có bề dày thành tích, còn có rất nhiều đơn vị mới ở khu vực ngoại thành đã vươn lên đạt nhiều thành tích xuất sắc như trường MN Baby huyện Bình Chánh; MN Nhị Xuân huyện Hóc Môn; TH An Lạc 3, Q. Bình Tân; TH An Phú 1 huyện Củ Chi; TH Bình Khánh huyện Cần Giờ; THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện Nhà Bè;… Đã góp phần khẳng định khoảng cách chất lượng GD của toàn ngành ở cả khu vực nội và ngoại thành, khu vực công lập và ngoài công lập được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, ngành tổ chức các phong trào thi đua, tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng, điển hình tiên tiến. Ngành có các giải thưởng dành riêng cho HS như Giải Lê Quý Đôn; Giải Lương Thế Vinh; Cuộc thi Văn hay chữ tốt; Giải Trần Đại Nghĩa; Giải Toán nhanh trên máy tính; Rèn chữ- Giữ vở,…góp phần tạo không khí thi đua học tập trong HS các cấp, các em học tập nghiêm túc, hiệu quả. 

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác TĐKT ngành gặp một số khó khăn, vướng mắc như hồ sơ, thủ tục xét duyệt thi đua ở một vài danh hiệu thi đua còn rờm rà, phức tạp, gây khó khăn cho cá nhân, tập thể. Cán bộ phụ trách công tác TĐKT của các đơn vị THPT đều kiêm nhiệm. Một số nơi vẫn chưa thực sự coi công tác TĐKT là một trong những nhiệm vụ quản lý tại đơn vị. Vẫn còn nhiều đơn vị chạy theo thành tích, gây áp lực tâm lý lớn trong đội ngũ GV làm giảm đi mục đích, ý nghĩa của công tác TĐKT. “Có một thực tế là các trường ngoài công lập GV dường như ít tham gia phong trào thi đua, đa số chỉ đi dạy xong rồi về. Từ đó làm cho phong trào thi đua ở các trường ngoài công lập vẫn còn bỏ ngõ”, một Hiệu trưởng trường THCS ngoài công lập tại TP. HCM cho biết.   

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ