Ưu và nhược của Sao đỏ
Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), một trong những ưu điểm dễ nhận thấy của đội Sao đỏ trong trường phổ thông đó là giúp cho Tổng phụ trách (TPT) cũng như giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp rèn luyện tác phong, nề nếp của HS. Đồng thời, công tác này cũng rèn cho HS có tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự giác, tự quản góp phần nâng cao nhận thức chấp hành nội quy, kỷ cương trường lớp. Ngoài ra, công tác Sao đỏ cũng giúp thúc đẩy phong trào thi đua của các lớp, giúp các đội viên hình thành ý thức phấn đấu, tránh thụ động.
Liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá của đội Sao đỏ, TS Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Tổng Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VIFS thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng, trong giáo dục, việc đánh giá lẫn nhau giữa các HS rất cần được khuyến khích để rèn luyện kỹ năng đánh giá, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định… Đánh giá lẫn nhau có thể áp dụng trong học thuật lẫn trong hành vi, thái độ. Vì vậy, việc tồn tại của đội Sao đỏ trong nhà trường là chuyện bình thường. Vấn đề là cần phải thay đổi cách hoạt động của nhóm này sao cho hiệu quả.
Ở góc độ khác, thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường TH Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng, bên cạnh những ưu điểm thì đội Sao đỏ trong trường cũng tồn tại một số nhược điểm, đó là HS rất sợ bị Sao đỏ trừ điểm; Những kết quả xử lý đôi khi trong đội không đồng nhất ý kiến với nhau; Dễ bị lạm quyền; Các HS có khả năng ghi nhớ, hiểu, tiếp thu khác nhau nên khi chấm điểm khó có thể công bằng như nhau...
Tuy vậy, TPT muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần có sự phối hợp từ đội Sao đỏ. Vấn đề là, TPT phải chọn đội Sao đỏ thật kỹ để thành lập được đội hiệu quả; đồng thời, phải đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng trong bầu chọn các đội viên, làm sao phải có tinh thần trách nhiệm, trung thực, tự quản tốt, công bằng, tham gia tốt các hoạt động phong trào.
Đội Sao đỏ tại Trường TH Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) đang thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NTCC |
Để hoạt động hiệu quả hơn
Từ kinh nghiệm thực tiễn điều hành nhà trường, thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ: “Nhà trường có hoạt động mạnh hay không còn phụ thuộc vào hoạt động của Đội. Nhà trường có hoạt động giảng dạy tốt nhưng phong trào Đội không phát triển thì quá trình giảng dạy đó cũng chỉ mang tính chất một phía và áp đặt. Hoạt động của Đội Thiếu niên gắn liền với các hoạt động của HS. Thành công trong công tác Đội một phần lớn là do công tác tự quản của đội Sao đỏ. Đó cũng là một nhân tố cơ bản, góp phần vào việc nâng cao chất lượng HS”.
Để công tác đội Sao đỏ đạt hiệu quả hơn, thầy Hữu cho rằng, đối với đội Sao đỏ, 100% đội viên phải thực hiện nghiêm túc nội quy của Đội đề ra; đồng thời, không được tự động rời bỏ vị trí hay đi lại tự do trong lớp gây mất tập trung. Bên cạnh đó, các thành viên đội Sao đỏ phải có sổ ghi chép rõ ràng, cuối buổi có bàn giao về cho TPT hay Ban chỉ huy Liên đội để được biết các thông tin cụ thể xảy ra trong ngày. Đội Sao đỏ phải biết cách xử lý những tình huống mâu thuẫn nhỏ có khả năng giải quyết được. Khi có mâu thuẫn lớn phải kịp thời báo cáo TPT hay Ban giám hiệu nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
TPT phải xây dựng được một kế hoạch hoạt động tốt, có cách thức chỉ đạo sát sao, kịp thời, đúng đắn. Mỗi ngày, TPT cần dành 15 phút quan sát đầu buổi học để nắm tình hình hoạt động của đội Sao đỏ. Bên cạnh đó, TPT phải đề ra những chỉ tiêu và các hình thức chấm điểm thi đua giữa các chi đội, đồng thời yêu cầu tất cả các thành viên đội Sao đỏ phải hiểu và nắm vững được hết để vận dụng vào hoạt động.
Ví dụ: Đi học muộn thì trừ điểm như thế nào? Thiếu khăn quàng, không đồng phục, bàn ghế không ngay ngắn, mất trật tự... thì trừ bao nhiêu điểm? Kết thúc 15 phút đầu buổi, đội viên đội Sao đỏ phải công bố công khai trước lớp tổng số điểm, số điểm trừ, ai vi phạm… để tránh những thắc mắc sau này. Cuối tuần có tổng hợp điểm 15 phút đầu buổi học, báo cáo TPT đề nghị tuyên dương Chi đội nào có thành tích cao.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Tổng Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng, để hoạt động của đội Sao đỏ hiệu quả hơn thì cần có sự thay đổi uyển chuyển. Thứ nhất, thành viên của đội Sao đỏ nên thay đổi qua từng tuần, và mỗi lớp nên có 1 đội để đánh giá các thành viên trong lớp mình. Lý do: Tất cả HS đều có cơ hội rèn luyện kỹ năng đánh giá và không tập trung quyền lực vào một vài em cụ thể. Thứ hai, nội dung đánh giá cần ghi nhận cả điểm tốt lẫn chưa tốt của bạn.
Cách thức đánh giá cần dùng thang điểm hay nhận xét bằng lời đều được, tuỳ độ tuổi mà yêu cầu phù hợp. Dù vậy, phải luôn hướng dẫn các em cách đưa ra nhận xét một cách tích cực với bạn để bạn nỗ lực hoàn thiện, không tạo không khí căng thẳng, gây hấn giữa các học sinh với nhau.
Thầy Phạm Trung Hữu