Công tác dân số có nhiều thành tựu
Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại buổi lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số, do Bộ y tế tổ chức, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết:
"Thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 13 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…
Thành công của công tác Dân số Việt Nam trong thời gian qua thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của những người làm công tác dân số cũng như sự nhiệt tình hưởng ứng của toàn xã hội…"
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động Ảnh: Chí Cường |
Thách thức không nhỏ
Mặc dù đã đạt được những thành tự đáng ghi nhân, song thực tế công tác dân số vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng; Lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ; Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng với già hóa dân số; Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới...
Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới là làm sao để các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức được về công tác dân số. Khi đã có nhận thức, người ta sẽ cố gắng bằng mọi cách để làm tốt nhất và mang lại hiệu quả.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu chính trên tinh thần quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, so với Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược Dân số lần này không còn cái "đuôi" sức khỏe sinh sản, mà là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và công tác dân số phải được đổi mới rất căn bản.
Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước" được tổ chức với mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Với ý nghĩa đó, Tổng cục Dân số cũng đề nghị các đơn vị trong toàn ngành, bám sát chủ đề của Tháng hành động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác dân số và phát triển.