Công nhân xa quê và ước mơ về một mái ấm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, ai cũng mong một năm mới nhiều niềm vui, công việc thuận lợi.

Khi bố mẹ đi làm ca kíp chưa về, nhiều đứa trẻ tự nhặt rau, nấu cơm dọn nhà.
Khi bố mẹ đi làm ca kíp chưa về, nhiều đứa trẻ tự nhặt rau, nấu cơm dọn nhà.

Với công nhân xa quê, họ chỉ mong đều việc, được tăng ca để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, trả tiền trọ, mơ về một mái ấm tươm tất hơn…

Mong Tết “ấm” hơn

Xa quê nhiều năm, vợ chồng chị Cao Oanh (33 tuổi) và Lê Xuân Giáp (40 tuổi) chỉ mong năm mới tăng thêm thu nhập để có điều kiện chăm con tốt hơn.

Hơn 10 năm làm công nhân ở Thủ đô, gia đình chị Oanh mới chuyển sang được phòng trọ khép kín chừng 25m2 ở gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Chị Oanh tâm sự, hai vợ chồng làm công nhân lâu năm, nhưng lương cứng chỉ khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Cả tăng ca thì thêm vài triệu đồng nhưng cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện trong thời buổi “bão giá”.

Tết Nguyên đán đang đến gần, lương thưởng sẽ về, nhưng chị Oanh vẫn “đau đầu” vì còn nhiều lo toan như: Chuẩn bị quà Tết cho ông bà ở Hà Tĩnh, mua cho con quần áo mới, chuẩn bị đóng học phí cho con… Vậy là hai vợ chồng phải tạm gác lại mong muốn chuyển sang phòng trọ rộng rãi hơn.

“Mình chỉ mong có lương thưởng đúng ngày để sắm Tết sớm rồi lên kế hoạch về quê với ông bà. Về lâu dài, mình muốn được tăng lương cơ bản dù ít dù nhiều cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”, chị Oanh bày tỏ.

Ngồi cạnh bàn học của cậu con trai cả đang tuổi đi học, chị mong con học thành tài để sau có công việc tốt, cuộc sống khấm khá. Năm mới cận kề, chị Oanh muốn Hà Nội cũng có mô hình siêu thị trợ giá gạo, dầu ăn, bột giặt, sữa tươi cho công nhân.

Về lâu dài, hai vợ chồng mong ước được hỗ trợ trả góp nhà ở xã hội với mức 4 - 5 triệu đồng/tháng...

“Mình chỉ ước mong có một căn nhà của riêng mình, chung cư chẳng hạn, rộng khoảng 40m2, có chia phòng khách, phòng ngủ, khu nấu ăn và nhà vệ sinh riêng. Con cái sau này khi lớn cũng cần không gian riêng, không thể ở chung phòng với bố mẹ mãi được...”, chị Oanh tâm sự.

Cũng làm công nhân ở Hà Nội ngót nghét chục năm, chị Đặng Thị Thu Huệ, công nhân một công ty sản xuất máy móc vốn FDI Nhật Bản, cho hay mình may mắn khi thuê được phòng rộng hơn 70m2 trong khu nhà ở công nhân tại Đông Anh. Đây là nhà cho công nhân nên cả tiền điện, nước, thuê nhà chỉ khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, gia đình chị phải nuôi hai con đang đi học nên tiền tích luỹ chả được bao nhiêu. Ngoài học phí còn tiền bán trú, tiền sách vở, đồ dùng học tập, khi trái gió trở trời con sốt đi viện cả nhà mất thêm khoản tiền. Năm mới, chị Huệ chỉ mong có đều việc, thu nhập tốt hơn.

Trong phòng trọ chừng 15m2 ở một xóm nhỏ gần cầu Thăng Long (Hà Nội), vợ chồng anh Đặng Liêm (quê Thái Bình), tíu tít chuyện trò, nấu ăn.

Được nghỉ làm, anh Liêm “trổ tài” nấu những món giản dị cho gia đình, “tự thưởng” sau một tuần làm việc vất vả.

“Chúng tôi mới chuyển ở đây được 3 năm, chỉ mong có thưởng Tết để mua thêm đồ đạc. Năm ngoái, công ty hứa thưởng 2 tháng lương, nhưng năm nay không chắc đã được…”, anh Liêm nói.

Hỏi về dự định năm mới, công nhân này chỉ mong năm sau đều việc, có sức khỏe để tăng ca thêm thu nhập, sớm được tăng lương để tích luỹ một khoản khác rồi tính tới chuyện sinh con để vui lòng ông bà.

Một nữ công nhân ở Hà Nội tranh thủ tan ca về sớm nấu cơm cho gia đình.

Một nữ công nhân ở Hà Nội tranh thủ tan ca về sớm nấu cơm cho gia đình.

“Xây mái ấm” cho công nhân

Theo TS Vũ Minh Tiến, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho công nhân thuê. Vì các doanh nghiệp, tuỳ theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, thường tuyển mới, chấm dứt hợp đồng cho khoảng 10 - 20% lao động/năm.

Trong khi đó, số người gắn bó lâu dài 5 - 10 năm không lớn nên việc xây nhà cho thuê sẽ giảm gánh nặng chi phí mua nhà cho công nhân. Bên cạnh đó, lương công nhân hiện tại không đủ sống, cộng thêm khó khăn khi nuôi con, chi trả sinh hoạt phí, gửi về quê nên ít người chọn mua nhà ở xã hội.

Ông Tiến cho rằng thời gian bình quân để trả nợ mua nhà phải tốn hàng chục năm. Như vậy, phương án nhà ở xã hội cho công nhân thuê sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không mặn mà xây nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, do vậy cần có chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Trước khi nguồn cung nhà ở xã hội dồi dào hơn, các địa phương cần cải tạo, nâng cao an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, chất lượng của nhà ở công nhân trên địa bàn. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ nhà ở xã hội nên xây ở đâu. Bởi lẽ đa số công nhân mong muốn nhà ở gần nơi làm việc, xung quanh có chỗ khám bệnh, trường học, chợ dân sinh…

Chị Oanh tranh thủ ngày nghỉ cùng con trai ôn lại bài cũ.

Chị Oanh tranh thủ ngày nghỉ cùng con trai ôn lại bài cũ.

Tại buổi tọa đàm chỗ ở cho công nhân - từ thực tiễn đến chính sách vừa qua, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: Đông Anh là nơi có rất nhiều lao động thuê trọ, cuộc sống của công nhân rất khó khăn nên rất ít người có khả năng mua nhà ở xã hội dù được hỗ trợ lãi suất thấp. Bà Tám kể, nhiều công nhân thu nhập chỉ từ 6 - 7 triệu đồng/tháng nên phải chấp nhận thuê phòng trọ giá rẻ, chật chội.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội chia sẻ, đa phần công nhân có thu nhập thấp nên họ đau đáu nỗi lo sinh hoạt phí, chỗ ở, chỗ học cho con. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xây nhà ở cho công nhân thuê cũng như dành quỹ đất riêng cho đối tượng này.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng hướng tới lương đủ sống, thúc đẩy nhà ở cho công nhân, xây trường học, cơ sở y tế nơi đông công nhân.

Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, có chiến lược cho đoàn viên, người lao động. Việc chăm lo của công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, hiểu rõ niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.