Công nghệ vắc-xin mới tạo kháng thể gấp 5 lần

GD&TĐ - Viện Công nghệ California (Caltech) (Mỹ) đã phát triển một loại vắc-xin mới hoạt động như sự kết hợp giữa mRNA và những hạt nano protein.

Vắc-xin mới sử dụng các phân tử mARN để dạy tế bào của chính cơ thể tạo ra những đoạn protein của virus.
Vắc-xin mới sử dụng các phân tử mARN để dạy tế bào của chính cơ thể tạo ra những đoạn protein của virus.

Các nhà khoa học của Viện Công nghệ California (Caltech) (Mỹ) đã phát triển một loại vắc-xin mới hoạt động như sự kết hợp giữa mRNA và những hạt nano protein. Trong các thử nghiệm trên chuột, sản phẩm này tạo ra lượng kháng thể cao gấp 5 lần so với vắc-xin Covid-19 hiện có. Vắc-xin mới được cho là có thể đưa vào hoạt động để chống lại một loạt bệnh. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell.

Nguyên tắc chung của vắc-xin là huấn luyện hệ thống miễn dịch của một người nhận biết mầm bệnh, chẳng hạn như virus cúm hoặc SARS-CoV-2. Từ đó, giúp người dùng có thể chống lại các virus này hiệu quả hơn trong lần lây nhiễm sau này. Điều này thường được thực hiện bằng cách đưa các protein từ mục tiêu vào cơ thể. Sau đó, các tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể hiệu quả chống lại virus.

Vắc-xin dựa trên protein, chẳng hạn như vắc-xin Covid-19 của Novavax, trực tiếp cung cấp các phiên bản bất hoạt của protein của mầm bệnh để lưu hành. Đồng thời, thu hút sự chú ý của các tế bào miễn dịch.

Song, vắc-xin mRNA, đã được phát triển trong nhiều thập kỷ trước khi được đẩy nhanh do đại dịch Covid-19, có một cách tiếp cận khác. Loại vắc-xin này sử dụng các phân tử mARN để dạy các tế bào của chính cơ thể tạo ra những đoạn protein của virus. Từ đó, kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu của Caltech hiện đã phát triển một kỹ thuật mới kết hợp cả hai phương pháp thành một loại vắc-xin. Được gọi là công nghệ liên kết ESCRT và ALIX (EABR), vắc-xin sử dụng mRNA để kích thích tế bào của người nhận tạo ra các đoạn protein, nhưng cũng bao gồm “đuôi” nhỏ trên những protein này.

Những chiếc đuôi này kích hoạt các quá trình tế bào cho phép một số protein kết tụ lại với nhau thành các hạt giống như virus và lưu thông khắp cơ thể. Bằng cách này, sau đó, chúng hoạt động giống như vắc-xin dựa trên protein.

Magnus Hoffmann - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Trong quá trình lây nhiễm tự nhiên, hệ thống miễn dịch gặp phải cả tế bào bị nhiễm bệnh và các virus tự do. Vắc-xin mRNA hiện tại bắt chước các tế bào bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, vắc-xin dựa trên hạt nano protein bắt chước các hạt virus tự do để kích thích phản ứng miễn dịch. Công nghệ của chúng tôi làm được cả hai”.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mới dưới dạng vắc-xin Covid-19 trên chuột. Họ phát hiện, những con chuột được tiêm sản phẩm mới này tạo ra lượng kháng thể cao gấp 5 lần so với những loại vắc-xin hiện có. Chỉ cần hai mũi tiêm chứ không phải ba mũi để tạo ra mức độ kháng thể mạnh mẽ chống lại các biến thể Omicron.

Ngoài ra, những kháng thể này cũng có hiệu quả chống lại chủng ban đầu và biến thể Delta. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết, công nghệ vắc-xin mới có thể được sử dụng để chống lại các mầm bệnh khác, như cúm và thậm chí cả HIV.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ