Kiểm soát tốt trước Omicron
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa phê duyệt vắc-xin Covid-19 thế hệ mới, có thể được dùng như “mũi 4” hoặc “mũi 5” trong chiến dịch tiêm chủng thu đông. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp kéo dài vào ngày 1/9 của CDC, nhằm phê duyệt các vắc-xin Covid-19 được cập nhật.
Đây là loại vắc-xin hai thành phần được bổ sung tác dụng chống lại các dòng SARS-CoV-2 thoát miễn dịch mới như BA.4 và BA.5 của Omicron. Đó là 2 vắc-xin hai thành phần mới từ hãng dược lớn của Mỹ là Moderna và Pfizer.
Chia sẻ về loại vắc-xin này, PGS.TS Trần Huỳnh, Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) dẫn chứng, khuyến cáo mới nhất của CDC vào ngày 1/9 cho biết, người trên 12 tuổi nên dùng vắc-xin của Pfizer. Trong khi đó, người trên 18 tuổi nên dùng vắc-xin của Moderna.
“Vắc-xin này được tích hợp biến thể gen của 2 chủng mới nhất là Omicron, BA4 và BA5. Với những cập nhật mới này, chúng ta không cần quá lo về biến thể Omicron. Tuy nhiên, vắc-xin được ra đời hơi chậm. Chúng ta bắt đầu biết về biến thể Omicron từ năm ngoái. Đây là biến thể dễ lây và cần vắc-xin mới để chống lại. Tuy nhiên, tới hôm nay, chúng ta mới có vắc-xin tăng cường”, chuyên gia nhận định.
Theo PGS Trần Huỳnh, nhiều người băn khoăn về việc liệu có nên tiêm mũi tăng cường này không, ông Huỳnh cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần cân nhắc lợi - hại. Nếu thấy có hại nhiều hơn, chúng ta không nên tiêm. Tuy nhiên, mỗi người dân cần phân tích lợi - hại thế nào, tác dụng phụ của vắc-xin là gì.
Chuyên gia này giải thích, cơ thể con người có hệ miễn dịch tự nhiên và thu được. Miễn dịch tự nhiên là kháng thể chúng ta có sẵn. Trong khi đó, miễn dịch thu được là miễn dịch trí nhớ, dùng tế bào T nhớ “kẻ thù”. Khi đó, lần sau, nếu gặp kẻ thù, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại.
Khi mới nhiễm Covid-19, chưa nhiễm trùng gì, hệ miễn dịch của kháng thể nhiều hơn, hoạt động của tế bào T ít hơn. Ngược lại, khi có triệu chứng, kháng thể hoạt động ít hơn, tế bào T hoạt động nhiều hơn.
Khi bệnh nặng hơn sẽ dẫn đến sự rối loạn mất kiểm soát trong hệ thống miễn dịch. Từ đó, dẫn tới cơn bão miễn dịch. Khi đó, tín hiệu thông tin liên lạc bị hỗn loạn, chính tế bào miễn dịch tấn công các cơ quan của cơ thể. PGS Huỳnh giải thích, đó là lý do bệnh nhân Covid-19 có thể bị viêm phổi, tổn thương các cơ quan.
“Phần lớn, virus này không gây hại, nhưng cơ quan chúng ta diệt virus này. Virus ẩn nấp trong các tế bào. Khi đó, hệ miễn dịch phải giết tế bào, khiến hệ miễn dịch mất kiểm soát. Từ đó, gây viêm sưng, phù phổi, viêm mạch máu, viêm đa cơ quan, suy tạng và thậm chí là tử vong”, ông giải thích.
PGS Huỳnh dẫn chứng, khi Omicron xuất hiện, hiệu quả của một số vắc-xin còn khoảng 70%. Dữ liệu sau này cho thấy, vắc-xin Jansen bảo vệ con người khỏi Omicron tốt hơn. “Việt Nam hiện đang xuất hiện làn sóng Covid-19 mới. Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ kiểm soát tốt do tỷ lệ tiêm vắc-xin cao. Trong khi đó, biến thể chủ yếu ở Việt Nam là Omicron, không gây bệnh quá nặng”, chuyên gia nhận định.
Hiệu quả chỉ trong 2 - 4 tháng
PGS.TS Trần Huỳnh dẫn chứng, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, vắc-xin Covid-19 thế hệ mới sẽ bảo vệ được con người trong thời gian rất ngắn.
“Điều đó khiến nhiều nhà khoa học, bác sĩ thất vọng. Vắc-xin chủ yếu kích thích hệ miễn dịch, tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, kháng thể không tồn tại lâu trong cơ thể mà sẽ mất dần theo thời gian, thường là sau 2 - 4 tháng.
Một số công nghệ khác như vắc-xin của Oxford, hay vắc-xin của Nga, Trung Quốc, cũng không thể duy trì kháng thể lâu hơn 1 năm, có thể là 6 - 8 tháng. Hiện tại, vắc-xin tạo ra kháng thể để nhớ mặt virus. Tuy nhiên, vắc-xin sẽ không thể bảo vệ lâu. Thay vào đó, chúng ta cần tạo ra hệ miễn dịch khoẻ”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo PGS Huỳnh, vắc-xin Covid-19 giúp bảo vệ giảm tỷ lệ tử vong, rủi ro nhập viện. Tuy nhiên, vắc-xin không an toàn 100%. Do đó, ông dẫn chứng, nhiều khuyến cáo cho thấy, khi tiêm mũi tăng cường chống Omicron, người dân không nên chủng ngừa quá 1 lần trong một năm.
Bởi, vắc-xin có thể mang lại những rủi ro tiềm tàng. Hiện, chưa có công bố chính thức về tác dụng phụ của vắc-xin này. Tuy nhiên, thực tế, rủi ro không tiêm vắc-xin cao hơn nhiều so với việc chủng ngừa.
“Tuỳ vào cơ thể mỗi người, rủi ro mắc Covid-19 cao hay không, để cân nhắc có nên tiêm mũi tăng cường chống Omicron. Ví dụ, những người nguy cơ thấp, hệ miễn dịch tốt không nên tiêm mũi tăng cường. Song, những người thường xuyên tiếp xúc với ca bệnh Covid-19, rủi ro mắc cao, hoặc hệ miễn dịch yếu, cần chủng ngừa”, PGS.TS Trần Huỳnh khuyến cáo.