Trà lá tre giàu chất chống oxy hóa
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI), Sở KH&CN TPHCM vừa phối hợp với Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh tổ chức hội thảo giới thiệu “Công nghệ sản xuất trà lá tre HBO cố định diệp lục tố và dinh dưỡng”.
Theo ông Trần Chí Thành, trưởng nhóm nghiên cứu, trong y học cổ truyền, lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng để chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp.
Theo y học hiện đại, chiết xuất flavonoid có trong lá tre có tác dụng chống oxy hóa ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm stress. Bên cạnh đó, lá tre chứa một số enzyme và chất chống viêm, giúp hỗ trợ quá trình trị liệu cho các bệnh lý như viêm khớp, viêm đường tiết niệu và các bệnh tim mạch; chứa nhiều chất khoáng như selenium, silic, magnesium, kalium, calcium… là các chất bù lại sự mất nước và muối khoáng do ra nhiều mồ hôi.
Ngoài ra, các chất xơ hòa tan giúp tiêu hóa tốt (nhuận trường); các thành phần polysaccharid hòa tan trong nước (NP) có khả năng ức chế sinh trưởng của các vi khuẩn như E.Coli, S. aureus, B. subtilis,…
Trên thị trường đã có một số sản phẩm đồ uống/trà thảo mộc dạng bột sấy lạnh như bột rau má, bột cần tây, trà chùm ngây,… Tuy nhiên, trà lá tre là một sản phẩm còn khá mới lạ, chưa được nhiều khách hàng biết đến.
Ông Trần Chí Thành và các cộng sự nghĩ cách làm trà từ lá tre - loại nguyên liệu phổ biến, thân thuộc với người dùng Việt Nam. Công nghệ điều chế phải đảm bảo giữ được các hoạt tính ưu việt của lá tre.
Để làm trà, lá tre được đưa vào công đoạn kiềm hóa nhẹ thực vật trước khi sấy lạnh. Điều này giúp cố định các chất dinh dưỡng như selenium, silic, magnesium, kalium, calcium và bảo vệ chlorophyll (diệp lục tố) giúp giữ được màu xanh ở nhiệt độ sôi 10 độ C.
Công đoạn kiềm hóa sẽ ngâm thực vật (nguyên liệu lá tre) với dung dịch muối kiềm nhẹ (pH 7.5); gia nhiệt 100 độ C trong 1 phút; để ráo - sấy lạnh - băm nhuyễn. Thành phẩm đạt được là trà lá tre (túi lọc), nước trà có màu xanh nhạt (có pH 7.5). Sau khi pha nước sôi, xác trà vẫn giữ được màu xanh.
Trà phù hợp sử dụng hàng ngày
Sản phẩm trà lá tre là một dạng thực phẩm chức năng giúp bổ thận, nhuận tràng, tăng sức đề kháng, bù lại sự mất nước và muối khoáng, có thể sử dụng hàng ngày tại nhà theo phương pháp thông thường (pha nước sôi, ngâm trong bình giữ nhiệt).
Quy trình công nghệ sản xuất trà khá đơn giản, có thể chuyển giao nhanh để áp dụng sản xuất quy mô nhỏ hoặc quy mô công nghiệp. Chi phí đầu tư trang thiết bị thấp, không phức tạp, có thể sử dụng máy móc, thiết bị sẵn có tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã (máy rửa rau củ sục khí, máy nghiền, máy xay, máy sấy lạnh rau củ, nồi nấu gia nhiệt, máy đóng gói trà túi lọc…).
Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu chuyển giao áp dụng công nghệ này ở những vùng trồng tre (lá tre là phụ phế phẩm của ngành trồng tre lấy thân, măng) không chỉ tận dụng được phụ phẩm ngành trồng tre mà còn giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đơn vị sản xuất và phân phối trà, đơn vị sản xuất ngành rau quả, hoặc các đối tác/nhà đầu tư muốn đầu tư sản xuất quy mô lớn, đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện đã có nhiều đơn vị, đối tác đặt vấn đề hợp tác chuyển giao công nghệ tại các vùng trồng tre, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp,… Thế mạnh của công nghệ là khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có và phát triển sản phẩm chủ lực/sản phẩm đặc trưng của địa phương.
“Hiện tại, sản phẩm trà lá tre có tiềm năng phát triển rất lớn. Sản phẩm có thể bán ra thị trường như sản phẩm trà thông thường giúp cung cấp dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể, từ đó hướng đến phát triển thành thực phẩm chức năng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Đồng thời phát triển các sản phẩm nội địa hóa, sản phẩm thương mang hiệu quốc gia, nâng tầm giá trị cho cây tre Việt Nam”, ông Trần Chí Thành cho biết.