Thông tin trên đã được công bố bởi Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine - ông Mykhailo Fedorov.
Bộ trưởng Fedorov cho biết: “Nhờ làm việc với các nhà đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, năm nay các nhà phát triển và đổi mới quốc phòng Ukraine đã thu hút được hơn 25 triệu USD với sự hỗ trợ của 'Cụm Brave1', để so sánh - vào năm 2023, con số này chỉ là 5 triệu USD ”.
Quan chức trên nêu chi tiết rằng các giao dịch được ký kết trong những sự kiện đầu tư, một số giao dịch trị giá hàng triệu đô la có thể được thông qua chỉ trong một sự kiện.
Ví dụ như công ty Swarmer - đơn vị đang tham gia tìm kiếm giải pháp AI cho "bầy đàn" máy bay không người lái, đã thu hút được 2,7 triệu USD đầu tư nước ngoài và một số nhà đầu tư đã gặp nhau tại sự kiện này.
Ông Fedorov cho biết, "Cụm Brave1" hy vọng sẽ giúp huy động được 50 triệu USD vào cuối năm nay và nhấn mạnh: “Càng đầu tư nhiều, các công ty càng có thể phát triển và mở rộng quy mô sản phẩm càng nhanh”.
Đặc biệt gần đây có thông tin cho rằng Mỹ đang xem xét đầu tư vào việc sản xuất vũ khí tầm xa ở Ukraine, đặc biệt là máy bay không người lái tấn công.
Những khoản tiền như vậy sẽ giúp cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine khả năng tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu nằm trên lãnh thổ đối phương hiện tại và trong tương lai.
Trước đó, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine đã có một vài hình thức hợp tác đầu tư với các nước vùng Baltic và Scandinavia.
Cũng có thông tin cho rằng chính phủ Đức đang xem xét khả năng tài trợ cho việc mua vũ khí từ các doanh nghiệp Ukraine để trang bị cho chính quân đội nước này.
Hiện tại đầu tư trực tiếp của Đức vào vũ khí Ukraine chỉ giới hạn ở 4 trung tâm bảo trì. Những cơ sở này được tạo ra ở Ukraine với sự giúp đỡ của các công ty quốc phòng Đức.