Công nghệ đồng hành cùng nhà giáo: Dạy kiến thức, rèn kỹ năng

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông và đại học đã chủ động phương án dạy - học trực tuyến nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

TS Lê Thị Ngọc Anh (đứng) trong buổi bồi dưỡng giáo viên cốt cán – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
TS Lê Thị Ngọc Anh (đứng) trong buổi bồi dưỡng giáo viên cốt cán – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Ưu điểm của hình thức này là vừa dạy kiến thức, vừa giúp các em phát triển kỹ năng tự học và tự tìm hiểu tri thức cho bản thân.

Sẵn sàng phương án dạy – học trực tuyến

Dù vẫn trong thời gian nghỉ hè, nhưng mỗi ngày, Nguyễn Diệp Chi (tổ 13, phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) đều dành từ 1 - 2 tiếng tự học. Diệp Chi cho biết: “Năm nay, em lên lớp 6, Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai). Trong thời gian nghỉ hè, mỗi ngày, em vẫn chủ động học trên YouTube và tải các bài tập về ôn luyện, củng cố lại kiến thức đã học, đồng thời rèn thêm kỹ năng sử dụng máy tính, tin học để tự tin hơn khi vào học lớp 6. Có được thói quen này, một phần nhờ vào việc học trực tuyến trong thời gian qua”.

Là giáo viên Tin học, Trường THCS Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thầy Nguyễn Khải Hoàn đã tham khảo các hệ thống, nền tảng phục vụ cho việc dạy - học online để tham mưu với lãnh đạo nhà trường có thể triển khai trong năm học 2021 - 2022. Theo thầy Hoàn, dạy học trực tuyến có thể thực hiện trên phần mềm Zoom, kết hợp với các thiết bị tin học và phần mềm quản lý lớp học. Tuy nhiên, với bộ môn Tin học, các tiết thực hành cũng là một khó khăn, thách thức đối với thầy và trò.

Kinh nghiệm của thầy Hoàn là sử dụng nhiều hình thức, nền tảng khác nhau để khắc phục những hạn chế khi dạy - học online với các tiết thực hành. “Với học sinh lớp 6, 7, 9, nội dung môn học là khai thác, sử dụng phần mềm MS Word; MS Excel; MS PowerPoint.

Theo đó, các tiết thực hành tôi thường giao cho học sinh thực hiện dự án và yêu cầu các em tự hoàn thành một sản phẩm theo nội dung kiến thức, chương trình học. Sau đó, các em gửi sản phẩm vào Zalo nhóm lớp hoặc email của giáo viên để được đánh giá, nhận xét và góp ý. Bằng cách này, học sinh củng cố kiến thức đã học, giáo viên kiểm tra được các kỹ năng thực hành của trò, từ đó điều chỉnh cách thức dạy học sao cho hiệu quả, sát với thực tế” – thầy Hoàn chia sẻ.

Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn (Khánh Hòa), chia sẻ: Để chủ động ứng phó với dịch Covid-19, năm học 2021 – 2022, nhà trường xây dựng phương án dạy - học trực tuyến.

Trước thềm năm học mới, nhà trường đã nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, trang bị một số máy tính xách tay cho giáo viên và đầu tư 5 phòng dạy học trực tuyến hiện đại, có thể điều khiển bằng giọng nói, giúp giáo viên thực hiện những lớp học ảo. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng phòng để phục vụ cho việc dạy học online theo thời khóa biểu của nhà trường.

Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cũng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để tập trung đào tạo trực tuyến hiệu quả, chất lượng. Theo đó, nhà trường đã nâng cấp đường truyền và mở rộng băng thông Internet gần gấp đôi so với trước đây.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng, thông tin: Ngoài các máy chiếu đã có trước đó, 100% các phòng học đều được lắp đặt thêm hệ thống camera góc rộng và âm thanh mới phục vụ dạy học trực tuyến. Cùng với đó, tích hợp 4 phần mềm MyDTU, SAKAI, Zoom Cloud Meetings, và DTU Test/Examination Service để phục vụ học tập và thi trực tuyến.

Sinh viên Trường ĐH Duy Tân học online. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Duy Tân học online. Ảnh: NTCC

Phát triển kiến thức, kỹ năng

Hà Thị Thảo Chi - sinh viên lớp K63QTKDA, Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chia sẻ: Học trực tuyến có nhiều thuận lợi, chỉ cần có kết nối Internet, giảng đường có thể ở bất cứ nơi đâu. “Ngoài ra, chúng em có thể lưu lại bài giảng để nghiên cứu, học lại mọi lúc, mọi nơi. Với em, học trực tuyến chính là “chìa khóa” phát triển kỹ năng tự học và chủ động tìm kiếm tri thức”, Thảo Chi cho hay.

Theo thầy Nguyễn Khải Hoàn, dạy – học trực tuyến còn là tiền đề để học sinh tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Tin học. Thầy Hoàn phân tích: Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất cần đạt, năng lực chung, năng lực riêng trong từng môn học đòi hỏi người học phải chủ động nghiên cứu nội dung bài học trước khi thực hiện trao đổi nhóm và trao đổi với giáo viên để xây dựng nội dung kiến thức.

“Khi đã quen với hình thức học online, các em phải tự giác học tập và chủ động tham gia vào các hoạt động giáo dục mới có thể bắt nhịp được Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”, thầy Hoàn nhấn mạnh.

TS Lê Thị Ngọc Anh – giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), tâm niệm, trong bối cảnh hiện nay, dạy học online không còn là giải pháp tình thế, mà là xu thế. Nghĩa là không phải dạy trực tuyến cho qua ngày, để hoàn thành nhiệm vụ, mà phải trở thành kỹ năng cần thiết của giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.

“Trước thềm năm học mới, ai cũng mong muốn sớm kiểm soát được dịch bệnh để việc dạy và học thuận lợi hơn, nhưng chúng tôi luôn chủ động để có thể thực hiện dạy học trực tuyến bất cứ lúc nào” - TS Lê Thị Ngọc Anh quả quyết, đồng thời cho rằng: Đây là cơ hội để học sinh, sinh viên học hỏi và rèn luyện kỹ năng tự học, bởi bản chất của học đại học là tự học.

Học trực tuyến sinh viên có nhiều thời gian hơn; được giảng viên hướng dẫn và hỗ trợ tự học. Đặc biệt, các bạn sinh viên sư phạm được trải nghiệm thực hành nghề nghiệp qua môi trường lớp học ảo. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả học trực tuyến, bên cạnh điều kiện khách quan, bản thân người học phải tích cực, chủ động và nỗ lực hơn bình thường mới có thể đạt kết quả học tập tốt, cũng như phát triển kỹ năng tự học, thích ứng với những biến động của hoàn cảnh. - TS Lê Thị Ngọc Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ