Dù quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi rất chặt chẽ, nhưng nội dung này cần được lưu ý quán triệt tới từng cán bộ coi thi, thí sinh.
Phòng hơn chống
Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), vấn đề gian lận trong thi cử ở các quốc gia là điều cấm kị, được cảnh báo trước cho các sĩ tử với mức độ nghiêm trọng cao nhất. Nếu vi phạm có thể bị tước quyền thi từ vài năm đến cấm vĩnh viễn.
Tại một số nước, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, thông báo, nhà chức trách còn áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng sử dụng các thiết bị công nghệ để gian lận thi cử, như sử dụng thiết bị phá hoặc nhiễu sóng, thiết bị bay tự động để quan sát, camera quét nhận diện khuôn mặt…
Hầu hết, các thiết bị công nghệ cao được sử dụng gian lận thi cử thường hoạt động dựa trên nguyên lí thu phát và hiển thị tín hiệu với sự trợ giúp đối tượng bên ngoài hoặc các thiết bị ngoại vi kết nối chứa dữ liệu từ xa. Do đó, nếu nắm bắt được tính chất, nguyên lí hoạt động có thể hạn chế và khắc phục được tình trạng này.
Từ nhận định chung như trên, TS Tôn Quang Cường khuyến cáo: Giám thị cần thông báo rõ quy định của quy chế về các thiết bị cho phép sử dụng trong phòng thi; lưu ý các trường hợp có dấu hiệu bất thường về mặt tâm lí, hành vi, thái độ. Thông thường, thí sinh có ý định mang và sử dụng thiết bị gian lận có xu hướng ngụy trang kĩ lưỡng. Các giải pháp ngụy trang sẽ tạo ra những trạng thái, dấu hiệu bất thường như sử dụng trang phục không phù hợp (mùa hè mặc áo dài tay kín cổ, đội mũ len, đi tất sẫm màu, nai nịt gọn gàng…) hoặc có những hành vi lo lắng, căng thẳng thái quá, ánh mắt dò xét hay lẩm nhẩm trong lúc làm bài, ngồi với tư thế lạ… Trong trường hợp này, giám thị chỉ cần chú ý quan sát có thể phát hiện được…
"Thí sinh tuyệt đối không sử dụng các thiết bị không được phép mang vào khu vực thi theo quy chế. Không nên mang vào phòng thi các thiết bị công nghệ, hoặc các vật dụng không trực tiếp phục vụ cho làm bài thi (kể cả không nằm trong danh mục cấm), để tránh trường hợp bị phân tán sự tập trung khi làm bài nếu cần phải thẩm tra thiết bị" – TS Tôn Quang Cường đưa lời khuyên.
Biện pháp ngăn ngừa
Chia sẻ lưu ý của Sở GD&ĐT trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 liên quan đến sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Quy chế và Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi năm nay chặt chẽ ở các khâu.
Căn cứ theo đó, Sở GD&ĐT An Giang đã tổ chức nhiều biện pháp để ngăn ngừa sử dụng thiết bị công nghệ có thể gian lận trong thi cử như: Tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, thí sinh và phụ huynh học sinh nắm rõ quy chế, hướng dẫn thi, trong đó có những quy định rất rõ về trách nhiệm và quyền hạn của từng cá nhân tham gia kỳ thi, thông qua báo đài, nhà trường tổ chức sinh hoạt cho học sinh, giáo viên, nhân viên lồng ghép vào các hoạt động tại đơn vị; Chuẩn bị chu đáo các khâu về tổ chức kỳ thi: Sở GD&ĐT thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất trước khi thi bảo đảm đủ điều kiện tổ chức coi thi, có camera giám sát và công an bảo vệ 24/24 giờ phòng chứa bài thi, đề thi…
Ngoài ra, từ nay cho đến khi kỳ thi diễn ra, Sở GD&ĐT phối hợp với lực lượng công an rà soát, nắm tình hình các địa phương, cơ sở mua bán thiết bị công nghệ thông tin, đặc biệt là cơ sở gần các điểm thi để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
"Truyền thống của ngành GD-ĐT tỉnh An Giang là tổ chức thi cử nghiêm túc, đúng quy chế. Cho nên lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị, làm thế nào để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm" – ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Một số thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử:
Đồng hồ thông minh có màn hình hiển thị dữ liệu; Hệ thống thu phát tín hiệu không dây; Máy ghi âm thu phát; Camera ngụy trang trong gọng kính: Thu phát, hiển thị dữ liệu trên mắt kính; Máy quét (scan) kết nối bluetooth /Wireless dạng bút; Thiết bị nghe âm thanh tích hợp trong mũ; Bút kèm tai nghe kết nối không dây/Bluetooth; Thiết bị thu phát ngụy trang dưới dạng thẻ tín dụng ngân hàng; Nhẫn điều khiển truyền phát dữ liệu (kết nối với thiết bị chứa dữ liệu).
Tổng hợp của TS Tôn Quang Cường