'Cộng hưởng' với đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Xét tuyển sớm là một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học (ĐH) khi nhà trường được tự chủ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Vài năm gần đây, phương thức này ngày càng mở rộng quy mô và thu hút sự quan tâm của học sinh THPT. Không phủ nhận, việc đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển sớm giúp học sinh tăng cơ hội vào ĐH. Khi đủ điều kiện trúng tuyển sớm, học sinh giảm bớt áp lực học, thi cử; đồng thời có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc học ĐH - một lộ trình học tập hoàn toàn mới.

Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy xét tuyển sớm vào ĐH bắt đầu nảy sinh tác động tiêu cực đến học sinh và việc dạy học ở trường phổ thông. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chia sẻ, có trường ĐH từ tháng 1 đã tổ chức xét tuyển, tháng 3 đã có kết quả, trong khi cuối tháng 5 mới hoàn thành chương trình.

Không ít học sinh sau khi biết đạt trúng tuyển sớm thì sao nhãng việc học vì mục tiêu chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, đủ điều kiện trúng tuyển sớm thường là học sinh khá, giỏi; tinh thần và thái độ học tập của những em này có mức độ tác động nhất định đến tập thể lớp; từ đó ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT nói chung.

Bên cạnh đó, xét tuyển sớm và các phương thức xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, học sinh ở thành phố lớn, nơi có điều kiện học tập tốt hơn, thường có lợi thế so với học sinh vùng sâu, xa.

Các kỳ thi này lại thường tổ chức ở các thành phố lớn khiến học sinh ở xa khó tiếp cận, tốn kém chi phí đi lại, ăn ở; từ đó tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội xét tuyển. Ngoài ra, xét tuyển sớm cũng làm giảm chỉ tiêu vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến điểm chuẩn tăng cao. Điều này đã có minh chứng rõ ràng từ các mùa tuyển sinh gần đây.

Từ những bất cập nảy sinh, khi đưa nguyện vọng, đề xuất, ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có điểm chung là mong muốn tuyển sinh ĐH cần cộng hưởng với những đổi mới ở giáo dục phổ thông, có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.

Cần lùi thời gian công bố kết quả trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm; cân nhắc xét tuyển bằng học bạ, hoặc xét tuyển bằng học bạ cần phối hợp thêm điều kiện ràng buộc gắn với kết quả học tập và điểm thi tốt nghiệp THPT; không nên có quá nhiều phương án xét tuyển…

Không phải ngẫu nhiên mà từ khóa “xét tuyển sớm” vào ĐH được nhắc đến nhiều trong Hội nghị giáo dục đại học năm 2024. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị này cũng cho rằng, xét tuyển sớm có một số tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này và khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non; trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.

Đáng chú ý, dự thảo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%; điểm chuẩn trúng tuyển (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Với xét tuyển bằng học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 - 5 kỳ như hiện nay...

Dự thảo đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Hy vọng, không chỉ cơ sở giáo dục ĐH và các nhà giáo, cán bộ quản lý thuộc trường phổ thông cũng sẽ quan tâm, có ý kiến đóng góp để khi quy định ban hành sẽ khắc phục được những hạn chế phát sinh, tạo thuận lợi và bảo đảm công bằng cho người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ 2025 được họa sĩ vẽ theo biểu tượng vô cực.

Tranh 12 con giáp rộn ràng trên giấy dó

GD&TĐ - Bộ tranh 12 con giáp trên giấy dó truyền thống được họa sĩ thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.