Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 diễn ra từ ngày 1 - 2/3 tại Ấn Độ có sự tham gia của đại diện 40 quốc gia, bao gồm cả những nước không phải là thành viên G20 do Ấn Độ mời, và các tổ chức đa phương.
Mặc dù sẽ bàn luận nhiều vấn đề nóng của thế giới song một kết cục không thành công là điều đã được dự đoán kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tuần trước.
Theo dự kiến, các ngoại trưởng thảo luận về các biện pháp đối phó với giảm tăng trưởng kinh tế, lạm phát gia tăng, nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ thấp hơn, giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao, truyền bá chủ nghĩa khủng bố…
Song tâm điểm của hội nghị là cuộc chiến kéo dài một năm của Nga ở Ukraine tác động đến kinh tế và sự phát triển thế nào. Một dấu hiệu không thành công của hội nghị ngoại trưởng, là cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tuần trước cũng tại Ấn Độ đã không ra được thông cáo chung mà chỉ có một bản tóm tắt nội dung.
Lý do là Nga và Trung Quốc - 2 thành viên chủ chốt của G20, đã không phê chuẩn các đoạn nói đến cuộc chiến Ukraine trong dự thảo thông cáo. Bản dự thảo này nói rằng phần lớn các quan chức lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất” hành động của Nga ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng cuộc khủng hoảng Ukraine tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu - đó là những nội dung không được Nga và Trung Quốc nhất trí.
Ấn Độ, nước chủ nhà, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, cũng thể hiện rõ sự trung dung, khi Thủ tướng nước này, ông Narendra Modi phát biểu rằng có những mối đe dọa ổn định địa chính trị ở nhiều khu vực với kinh tế toàn cầu, nhưng không nhắc đến tên Nga.
Sự bất hòa của các thành viên G20 sẽ tiếp tục ở Hội nghị Ngoại trưởng lần này. Nga cho biết, tại hội nghị họ sẽ nói rõ ai là bên phải chịu trách nhiệm về những bất ổn kinh tế toàn cầu.
Từ lâu nay, Nga tuyên bố rằng cuộc chiến ở Ukraine không phải là giữa 2 quốc gia, mà chính là toàn bộ phương Tây đang đối đầu với Nga. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhân Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cho rằng hoạt động của G20 đang bị phương Tây “gây bất ổn”, “sử dụng theo cách chống Nga”, rằng phương Tây “cần hiểu thực tế khách quan của một thế giới đa cực và bắt đầu xây dựng mối quan hệ bình thường với các trung tâm quyền lực mới trên trường quốc tế, chẳng hạn như Nga, dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia”.
Phương Tây chắc chắn không nhượng bộ. Tổng thống Mỹ Biden, trong chuyến thăm Ukraine gần đây, đã khẳng định quyết tâm ủng hộ quốc gia này chống Nga và gói viện trợ mới cho Ukraine cũng vừa được Mỹ thông qua tuần trước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đều tới Ấn Độ, lần đầu tiên trong một thời gian dài ngoại trưởng 2 bên cùng tham gia một hội nghị nhưng không có cuộc gặp song phương nào được dự đoán trước.
Nước chủ nhà Ấn Độ chắc chắn không muốn cuộc chiến Ukraine phủ bóng lên hội nghị. Song một kết quả lạc quan là khó. Ngoài vấn đề Ukraine, G20 cũng đang bị chi phối bởi sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các thành viên về căng thẳng Mỹ - Trung leo thang liên quan đến vấn đề Đài Loan cũng như những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đều từ chối lùi bước trước cái mà họ coi là sự bắt nạt của Mỹ.
Tờ New York Times cuối tuần qua dẫn lời Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng việc phản đối lên án Nga là do lo ngại Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để cô lập một thành viên của G20, Mỹ có quá nhiều quyền lực để hành động chống lại một đối thủ địa chính trị. Quan ngại đó chắc chắn sẽ tiếp tục được cộng hưởng trong hội nghị tuần này.
Các thành viên G20 đại diện cho khoảng 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới. Sự bất hòa của G20 cho thấy, những nỗ lực chung để phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ còn rất khó khăn và lâu dài.