Công cuộc đổi mới giáo dục sâu sắc và nhiều thách thức

GD&TĐ - Chiều 22/6, tại Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2022.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Giám đốc sở 63 tỉnh, thành phố.

Công tác chuẩn bị thi đã sẵn sàng

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Quang Nam - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết: Năm học 2021-2022, ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, thích ứng linh hoạt của toàn ngành mà kết quả giáo dục vẫn có những dấu ấn.

Các hoạt động giáo dục bậc mầm non vẫn đảm bảo tốt. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỉ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%, tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Thực hiện chương trình GDPT 2018 và tự chủ đại học là hai mũi xung kích, trọng tâm cho công cuộc đổi mới. Thực tế, trong lịch sử chưa có công cuộc đổi mới nào sâu sắc, toàn diện và nhiều thách thức như lần này. Bởi chúng ta đổi mới từ triết lý, chất lượng đến cả hệ thống nên cần sự quyết tâm lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bậc Tiểu học và THPT dù phần lớn thời gian học sinh phải học trực tuyến nhưng với định hướng và mục tiêu lấy chất lượng làm đầu theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học một cách uyển chuyển.

Ở bậc Tiểu học, các tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2 trong năm học 2021 - 2022; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023.

Đến thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỉ lệ 100%, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỉ lệ 40%.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT quyết định không sửa quy chế thi trong năm nay, các điều chỉnh về mặt kỹ thuật Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nêu kiến nghị tại hội trường.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nêu kiến nghị tại hội trường.

“Về cơ bản có vài nét mới so với năm trước là thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến, thí sinh GDTX không được đăng ký môn Giáo dục công dân trong tổ hợp môn xã hội. Công văn số 1523 đã hướng dẫn quy định về bảo vệ tối mật với đề thi, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự nếu có sai phạm. Công tác chuẩn bị đề thi, triển khai rà soát ma trận đề thi, ban hành quy chế quy động giảng viên, giáo viên có chất lượng tham gia hội đồng thi, coi thi.

Công tác tập huấn đã triển khai đúng kế hoạch, gồm 4 cuộc tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi, cán bộ làm công tác coi thi. Công tác tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ làm công tác thi tại địa phương cũng đã xong trước ngày tổ chức đăng ký dự thi” - ông Lê Mỹ Phong nói.

Theo ông Phong, Cục Quản lý chất lượng cũng đã rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Đề thi tham khảo đã được công bố vào ngày 31/3 giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia Kỳ thi năm 2022.

Tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo Sở cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT trong việc hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm GDTX, GDNN, cũng như hướng dẫn thu hồi học phí cho các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết.

Thông tin về công tác chuẩn bị, bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết; Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT đã và đang thực hiện theo đúng kế hoạch và không có gì khó khăn lớn.  Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho học sinh trong thời gian bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nên chương trình năm học phải đến cuối tháng 7/2022 mới kết thúc năm học bậc Mầm non và Tiểu học.

“Điều này nằm trong sự cho phép của Bộ GD&ĐT nên ngay sau khi kết thúc năm học, ngành giáo dục sẽ tiếp tục rá soát công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT ở giai đoạn cuối vì hiện công tác chuẩn bị đã triển khai” - bà Diễm nói.

Hội nghị Giám đốc Sở 2022 sôi nổi với nhiều kiến nghị.

Hội nghị Giám đốc Sở 2022 sôi nổi với nhiều kiến nghị.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm học 2020-2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào ổn định dù đối mặt rất nhiều khó khăn. Việc Bộ GD&ĐT khuyến khích, yêu cầu các địa phương có bộ tài liệu giáo dục địa phương theo ông Hiếu là cần thiết. Tuy vậy, việc biên soạn và in ấn là rất khó khăn (vì không xã hội hóa).

“Việc xin ý kiến của HĐND kinh phí mua sách phát cho thư viện, sách dùng chung cho học sinh vừa được Sở trình nhằm tháo gỡ vướng mắc. Nếu được chấp thuận, Sở sẽ thực hiện cuốn chiếu từ nay đến năm 2024-2025 sẽ phủ đầy đủ cho các thư viện bởi nếu chờ một đơn vị thẩm định giá, đấu thầu và triển khai, rồi kinh phí… sẽ rất lâu” - ông Hiếu nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho rằng: Đơn giá cho bộ tài liệu giáo dục địa phương cũng cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính. Vì không có khung tham chiếu và hướng dẫn về giá, cách thức, khung thẩm định giá… để địa phương ban hành và thực hiện bộ tài liệu giáo dục địa phương trên khung giá phù hợp.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh nêu khó khăn về biên chế và công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên môn đặc thù.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh nêu khó khăn về biên chế và công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên môn đặc thù.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị; Công tác thi, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu đi vào từng cấp học vậy nên Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch thi tốt nghiệp như thế nào ngay từ bây giờ. Bộ GD&ĐT cần ban hành văn bản chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bậc GDTX.

"Đặc biệt, thông tin Bộ Nội vụ sẽ đưa 67.000 biên chế về các địa phương rất mong Bộ GD&ĐT xem và cân đối biên chế cho các khu vực khó khăn, đặc thù, nơi không thể thực hiện xã hội hóa để có điều kiện bù đắp lực lượng giáo viên và biên chế bị thiếu khi được phân bổ chỉ tiêu" - bà Diệp kiến nghị. 

Tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo Sở cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT trong việc hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm GDTX, GDNN cũng như hướng dẫn thu hồi học phí cho các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết.

Đặc biệt, nhiều kiến nghị liên quan đến việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp KHXH để học thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành KHTN bị dôi dư nhưng lại thiếu giáo viên các môn đặc thù, môn tiếng Anh rất khó tuyển dụng dù chỉ tiêu rất nhiều. Do đó, việc Bộ GD&ĐT cần có chiến lược, kế hoạch chung để điều chỉnh sự bất cập trên.

Trao đổi với các lãnh đạo Sở, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Mô hình của đơn vị GDNN, GDTX thành một Trung tâm (2015) đã được triển khai khi liên bộ thống nhất và ban hành thông tư nên không thể thay đổi nên có khó khăn và vướng mắc trong biên chế thì kiến nghị xem xét. Về chương trình GDPT 2018 cho hệ GDTX, Thứ trưởng cho biết trong ít ngày tới sau khi thống nhất được về môn lịch sử sẽ ban hành.

Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận nhìn nhận: Riêng đối với kế hoạch năm học 2022-2023, chúng tôi thực hiện đầy đủ 11 giải pháp do Bộ GD&ĐT đưa ra, trong đó chú ý 2 nhóm giải pháp đó là tập trung nguồn lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 3,7, 10. Đồng thời tăng cương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục năm 2022-2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc kéo dài thời gian kế hoạch năm học trước bối cảnh dịch Covid-19 là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần phải cân đong đo đếm trong quỹ thời gian 3 tháng hè sau cho phù hợp. Vì đây là quỹ thời gian của học sinh, giáo viên, việc kéo dài kế hoạch năm học cũng nên ngắn vừa phải để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh, thời gian để giáo viên học tập nâng chuẩn nghiệp vụ trong hè.

Về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc nhở các Sở: Nhân sự là rất quan trọng, do đó phải là giáo viên đã qua tập huấn, cần phải có đội ngũ dự phòng để tránh những trường hợp nảy sinh.

“Hệ số cán bộ theo quy định là 2,32-2,33/phòng thi nhưng các Sở cần phải tính là 2,5 hoặc là 2,8 hệ số như vậy tốt hơn để đề phòng rủi ro, các trường hợp nảy sinh… Cơ chế phối hợp giữa các bộ phận, lực lượng khi thực hiện công tác tổ chức, coi thi tốt nghiệp THPT cũng rất quan trọng… các đồng chí giám đốc Sở cần lưu ý. Chúng ta phòng chống gian lậnnhưng điều quan trọng nhất vẫn là siết chặt kỷ luật phòng thi, đảm bảo giáo viên, cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình” - Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao vai trò của các “tư lệnh” ngành Giáo dục địa phương trong năm học vừa qua, nhất là trong việc triển khai chương trình GDPT 2018. Bởi theo Bộ trưởng, chương trình GDPT 2018 thành công hay thất bại thành công hay không là từ chính sự quyết liệt, nhận thức của các thầy cô, lãnh đạo Sở GD&ĐT.

“Thời điểm này công cuộc đổi mới cũng đã đi được nửa chặng đường. Chặng đường nước rút trong thời gian tới mục tiêu là triển khai thực hiện sách giáo khoa một cách toàn diện. Chúng ta phải thật quyết tâm để thực hiện đúng mục tiêu, lộ trình công cuộc đổi mới.

Thực hiện chương trình GDPT 2018 và tự chủ đại học là hai mũi xung kích, trọng tâm cho công cuộc đổi mới. Thực tế, trong lịch sử chưa có công cuộc đổi mới nào sâu sắc, toàn diện và nhiều thách thức như lần này. Bởi chúng ta đổi mới từ triết lý, chất lượng đến cả hệ thống nên cần sự quyết tâm lớn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá những cố gắng và thành tựu đạt được của ngành giáo dục sau một năm đầy khó khăn là sự cố gắng bền bỉ. Mục tiêu giáo dục đặt ra cho toàn ngành trong bối cảnh dịch bệnh là chất lượng thật đã được duy trì dù hình thức dạy và học phải thay đổi đã cho thấy sự chủ động lớn của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.