Đồng hành cùng con
Ngày 30/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập không chuyên năm học 2022 - 2023. Theo đó, thí sinh, phụ huynh có thể căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu được giao có thể biết được “tỷ lệ chọi” vào lớp 10 của từng trường.
Năm nay, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký dự tuyển.
Con trai chị Trần Thị Lệ Hương (quận Cầu Giấy – Hà Nội) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Yên Hoà. “Dẫu đã chuẩn bị tâm lý trường tỷ lệ chọi sẽ cao những vẫn “sốc”, chị Hương nói và cho biết thêm: “Tỷ lệ chọi của Trường THPT Yên Hòa đứng đầu các trường công lập ở Hà Nội (1/3,03 cao hơn năm 2021 (1/2,91)) khiến con rất áp lực. Tuy nhiên, con quyết tâm và muốn thử sức của mình nên gia đình cũng ủng hộ”.
Trước đó, để chuẩn bị phương án dự phòng, gia đình chị Hương cho con tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Thực nghiệm và đã đỗ. Tuy nhiên, chứng kiến con miệt mài ôn tập để cố suất vào Trường THPT Yên Hòa, chị Hương và gia đình cố gắng dành thời gian chăm sóc, động viên, khuyên con sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý không để bị quá sức.
Giai đoạn này con gái chị Trần Thị Vân (quận Long Biên – Hà Nội) được thầy cô luyện đề giai đoạn nước rút. “Nhiều hôm, dẫu đã hết thời gian chính khóa, thầy cô vẫn nán lại để giảng cho trò. Chưa kể, thầy cô còn thành lập các nhóm học để cùng ôn tập, chia sẻ kinh nghiệm làm bài…”, chị Vân chia sẻ.
Đặt mục tiêu vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, hai năm qua Nguyễn Thị Quỳnh Như (quận Long Biên - Hà Nội) đã cố gắng ôn tập. Quỳnh Như chia sẻ: “Giai đoạn này em đã cơ bản nắm được kiến thức của chương trình, đang dành thời gian để luyện đề nhằm phát hiện những lỗ hổng kiến thức. Chỗ nào chưa vững thì học lại”.
Theo Quỳnh Như, mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, nếu không đỗ nguyện vọng 1 thì cơ hội vẫn còn ở nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên, khi biết tỷ lệ chọi của các trường Quỳnh Như có phần áp lực, bởi nguyện vọng 1 cũng là nguyện vọng ưu tiên và mong muốn đạt nhất.
Nhà trường gấp rút ôn luyện
Nhiều trường THCS đang cấp tốc ôn tập cho học sinh giai đoạn nước rút. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội), nhà trường có kế hoạch ôn tập từ cuối tháng 3 theo lộ trình cụ thể từng tháng, từng tuần. Hiện học sinh vẫn tiến hành theo kế hoạch đó. Thời điểm này, ngoài ôn tập tại trường cho học sinh, nhà trường tổ chức thi thử nhằm kiểm tra kiến thức, rèn tâm lý trước kỳ thi.
Thầy Hiệp cũng cho biết thêm: Qua thi thử, giáo viên nắm bắt được kết quả ôn tập của trò. Đồng thời, học sinh cũng tự đánh giá được năng lực của mình để có kế hoạch ôn tập bồi dưỡng phù hợp. “Vì vậy, học sinh và gia đình yên tâm với nguyện vọng mình đã đăng ký, không tạo áp lực khi biết tỷ lệ chọi”, thầy Hiệp nhấn mạnh.
Còn cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “HS khóa 2018 - 2022 đặc biệt bởi trải qua 3 mùa Covid-19 nên ban giám hiệu và cha mẹ xác định không gây áp lực, tạo tâm lý thoải mái nhất, ôn tập theo hướng vừa sức, hiệu quả. Các thầy cô giáo xây dựng chương trình ôn tập phù hợp theo mức độ từ dễ tới khó, phù hợp từng nhóm học sinh”.
Sau giai đoạn gia cố nền móng, hướng dẫn kỹ năng làm bài, tránh việc mất điểm đáng tiếc, ôn luyện các dạng đề, theo cô Hạnh, học sinh khá thoải mái, sẵn sàng tâm thế. “Nhà trường và thầy cô động viên, cho các em thấy đã lựa chọn vào trường vừa sức. Với những gì nhà trường trang bị, các em có thể đạt được kết quả mong muốn”, cô Hạnh nhấn mạnh.
Trường THCS Bế Văn Đàn tiếp tục ôn tập đến 15/6. Với thời lượng ôn tập nhà trường bố trí đã đủ nội dung, chương trình kế hoạch. Thời tiết bắt đầu nắng nóng, ban giám hiệu xác định tập trung ôn hiệu quả trong buổi sáng từ 7 giờ 30 - 11 giờ, sau đó nghỉ ngơi và tự học. Đồng thời, nhà trường đề nghị cha mẹ vào cuộc động viên, khích lệ, thậm chí còn ôn luyện cùng con.