Công bố "Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010"

Công bố "Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010"
(GD&TĐ)- Hôm nay (30/11), tại Hà Nội, Bản "Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010" được công bố. Báo cáo này do Học viện Năng lực cạnh tranh Châu Á (Singapore) hợp tác với Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện dưới sự chỉ đạo nội dung của GS. Michael Porter - Chuyên gia uy tín trong lĩnh vực cạnh tranh tới từ Trường kinh doanh Harvard.
Bản báo cáo được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kỳ vọng “sẽ là một sản phẩm cung cấp thông tin đầu vào quan trọng và hữu ích cho quá trình xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách của Chính phủ cũng như quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp”.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam 2007 - 2009. (nguồn TCCS)
 Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam 2007 - 2009. (nguồn TCCS)
Bản báo cáo được xây dựng trên cơ sở khung phân tích lấy nhân tố năng suất lao động làm trung tâm, động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững và là tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đây là sản phẩm đã được nghiên cứu trong hai thập kỷ của GS Michael Porter.
Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, tăng trưởng Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư, mà thiếu lực đẩy từ nhân tố lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)-những nội lực tạo nên sức cạnh tranh của nhiều nước phát triển và đang phát triển khác.
Số liệu thống kê thời kỳ 2006-2010 chỉ ra rằng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP luôn ở mức trên 40%, cao hơn nhiều so với các nước công nghiệp mới có cùng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại chưa phát huy rõ rệt đến đời sống kinh tế-xã hội.
Từ chính sự “bành trướng” của yếu tố vốn đầu tư luôn trên mức 40% GDP đã làm cho tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của lao động và TFP trong giai đoạn 5-10 năm gần đây thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế khu vực 1997-1998.
Trong khi đó, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng, sân bay, năng lượng… đã được thực hiện, nhưng tác động kinh tế - xã hội của các công trình đem lại chưa rõ do hiệu quả thấp và thiếu trọng tâm trọng điểm trong đầu tư.
“Đầu tư hạ tầng được dùng để bù đắp cho các tỉnh có tăng trưởng kém hơn chứ không phải nhằm tạo ra hiệu quả và tác động cao nhất có thể”, báo cáo chỉ ra bản chất đầu tư của Việt nam vào hạ tầng trong thời gian qua.
Theo báo cáo, tăng trưởng năng suất trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến thâm dụng vốn. Tuy nhiên việc chuyển dịch này chỉ là từ khu vực năng suất và thu nhập rất thấp sang khu vực chế tạo có năng suất và tiền lương khá hơn chứ không cao.
Sau khi phân tích tình trạng mất cân đối lớn giữa đầu tư-tiết kiệm; cán cân thương mại và tài khoản vãng lai; lạm phát và tỷ giá hối đoái, báo cáo đi đến kết luận: “Những mất cân đối này có thể gây ra hậu quả không thể xem thường. Ít nhất là chúng tạo ra tâm lý với các nhà đầu tư rằng rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam là cao. Các mất cân đối vĩ mô này có thể làm phát sinh khủng hoảng, khi niềm tin bị xói mòn và các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Việt Nam”.
 “Các nhà hoạch định chính sách hiện nay đã nhận diện tương đối chính xác những nút thắt này,  tuy nhiên, hiệu lực thực thi các chính sách được đưa ra cho tới nay là chưa cao”, báo cáo nhận định về hiệu quả điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Báo cáo nhấn mạnh: một trong những điểm yếu cơ bản là phản ứng chính sách đối với bất ổn vĩ mô vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để giải quyết các thách thức một cách toàn diện, có hệ thống.
Cụ thể, chính sách tài khoá bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực Nhà nước. Áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu là những dấu hiệu về một chính sách tiền tệ còn có vấn đề.
Khuyến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách, tác giả Báo cáo đề cập đến các nội dung được coi là trọng tâm như: sự minh bạch về tài khóa của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước; củng cố quản lý tài chính công; chính sách tiền tệ nhất quán và có thể dự đóan được; xây dựng khung pháp lý để quản lý thị trường tài chính để giảm thiểu hành vi đầu cơ và phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô thông qua tăng cường vai trò của Hội đồng tư vấn các chính sách tài chính tiền tệ quốc gia…
An Sương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ