Công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định về thi tốt nghiệp THPT bao gồm: Quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.

Tổ chức 5 bài thi

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục phổ thông cấp THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp Trung cấp tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Ngày thi, lịch thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Về hình thức thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi chung là bài thi trắc nghiệm); bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận (gọi chung là bài thi tự luận).

Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.

 3 đối tượng được dự thi

Xem toàn văn Dự thảo TẠI ĐÂY

Đối tượng dự thi theo dự thảo gồm:

Người đã học xong chương trình cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi. Đối tượng này phải đảm bảo được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn ở GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.

Người đã học xong chương trình cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước. Đối tượng này phải có Bằng tốt nghiệp THCS và phải đảm bảo được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.

Người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh. Đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp phải đảm bảo học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi do sở GD&ĐT chủ trì

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi, do sở GD&ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Giám đốc sở GD&ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi, gồm: Ban Thư ký; Ban In sao đề thi; Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi; Ban Coi thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; Ban Chấm thi tự luận; Ban Chấm thi trắc nghiệm; Ban Phúc khảo bài thi tự luận; Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm.

Thành phần Hội đồng thi: Chủ tịch là Giám đốc sở GD&ĐT (hoặc là Phó Giám đốc sở GD&ĐT trong trường hợp đặc biệt); các Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc sở GD&ĐT và một số Trưởng phòng của sở GD&ĐT; các ủy viên là lãnh đạo một số phòng của sở GD&ĐT và Hiệu trưởng trường phổ thông, trong đó Ủy viên thường trực là lãnh đạo phòng có chức năng quản lý công tác thi tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT (gọi chung là phòng Quản lý thi);

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thi: Tiếp nhận đề thi gốc từ sở GD&ĐT, tổ chức in sao đề thi; phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế thi; coi thi, bảo quản bài thi, làm phách, chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi theo quy định của Quy chế thi; giải đáp thắc mắc và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức kỳ thi; báo cáo kịp thời với Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia về công tác tổ chức thi của Hội đồng thi; tổ chức việc tiếp nhận và xử lý thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi theo quy định tại Điều 52 Quy chế này; tổng kết công tác thuộc phạm vi được giao;

Thực hiện khen thưởng, kỷ luật theo chức năng, quyền hạn và quy định của Quy chế thi; thực hiện chế độ báo cáo và chuyển dữ liệu thi về Bộ GD&ĐT đúng thời hạn quy định; chỉ đạo, xử lý các vấn đề diễn ra tại các Ban của Hội đồng thi theo Quy chế thi; tổ chức bảo quản, đảm bảo an toàn và bảo mật cho đề thi, bài thi và các tài liệu liên quan theo quy định của Quy chế thi; báo cáo Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để xử lý các tình huống vượt thẩm quyền. Hội đồng thi sử dụng con dấu của sở GD&ĐT.

Điểm xét tốt nghiệp THPT

Điểm xét tốt nghiệp THPT (ĐXTN): Gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính ĐXTN.

ĐXTN đối với Giáo dục THPT được tính theo công thức sau:

Công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT ảnh 1

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, được miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT theo quy định tại Điều 36 Quy chế này được công nhận tốt nghiệp THPT.

Người học thuộc các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 12 Quy chế này đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu (để được công nhận tốt nghiệp THPT) thì được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 cấp.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện việc cấp phát và quản lý Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.