Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được chọn là Hội quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đăng cai sự kiện mang tính toàn cầu này, thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm, tin tưởng vào các hoạt động nhân đạo nói chung, các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với thảm họa trong thời gian qua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại lễ công bố, ông Michael Annear – Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam chia sẻ: Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2014 với chủ đề “Văn hóa và rủi ro” nhấn mạnh về mối quan hệ quan trọng giữa văn hóa và phòng ngừa thảm họa và khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu để các chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa thành công là cần phải cân nhắc văn hóa cộng đồng và hành vi của con người.
Báo cáo có 7 chương gồm: Tầm quan trọng của “văn hóa” và thái độ với rủi ro; Tôn giáo và tín ngưỡng ảnh hưởng đến quan niệm về rủi ro thiên tai như thế nào; Nhìn nhận sinh kế một cách nghiêm túc; Những điều tưởng tượng về cộng đồng; Văn hóa, rủi ro và môi trường nhân tạo; Những vấn đề nhạy cảm về văn hóa trong y tế cộng đồng: Thảm họa HIV/AIDS và hơn thế nữa.
“Báo cáo này đưa ra câu trả lời cho tất cả những vấn đề phức tạp và không đâu giống đâu. Nhưng nó cho ta biết nên bắt đầu từ đâu. Nó chỉ ra phương hướng chúng ta cần theo và rút ra kinh nghiệm về lồng ghép hiệu quả những ý tưởng truyền thống và “hiện đại” để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương một cách hiệu quả” - ông Michael Annear nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ và biến đổi khí hậu toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu từ 10 - 15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số của Việt Nam. Theo dự báo, giữa thế kỉ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng cao 1 m. Khi đó, khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.