Các đại biểu là các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, đại diện các bên liên quan… đến từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc xây dựng báo cáo phân tích ngành giáo dục là công việc cần làm sau mỗi 10 năm nỗ lực cải thiện chất lượng ngành giáo dục. Trong những năm gần đây, các con số đã thể hiện trong bản báo cáo cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy phổ cập giáo dục, cải thiện các vấn đề về bất bình đẳng trong tiếp cận, cũng như duy trì mặt bằng chất lượng giáo dục ở nhóm cao trên thế giới so với mức thu nhập bình quân đầu người.
GS.TS Lê Anh Vinh trình bày báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020 |
Tuy nhiên, chúng ta cũng không phủ nhận những tồn tại còn hiện hữu, có thể là về góc độ hệ thống, về chương trình, về nguồn nhân lực, hay về cơ sở hạ tầng… Với chức năng là một cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ phát triển chính sách, trong quá trình xây dựng báo cáo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để có được những số liệu và minh chứng đầy đủ, xuyên suốt, toàn diện và xác thực nhất làm cơ sở cho những nhận định và phân tích đảm bảo tính khoa học.
Thảo luận về nội dung báo cáo, GS Nguyễn Hữu Châu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của nhóm tác giả thực hiện báo cáo. Báo cáo mô tả bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam 2011-2020, những thành tựu và tồn tại trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các hệ thống giáo dục từng cấp nói riêng. Tuy nhiên cần bàn thêm về sự chuyển đổi giữa các cấp nhằm cho thấy sự liền mạch trong toàn hệ thống, để cho thấy sức khỏe của toàn hệ thống đồng nghĩa với sức khỏe của các hệ thống theo cấp học.
Đại biểu tham luận tại phiên hội thảo |
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao kết quả nghiên cứu. GS Lộc cho rằng: Báo cáo đã lượng hóa được một số khía cạnh, một số vấn đề quý giá, làm căn cứ để đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề cấp thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên báo cáo cũng cần đề cập tới những câu chuyện mà không con số nào thể hiện được, đó là niềm tin, tinh thần tự học, hiếu học giờ lại biến tướng thành mua bán bằng cấp...
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề cập đến những vấn đề giáo dục Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới. Ông góp ý với nhóm tác giả với hai vấn đề: Một là Giáo dục Việt Nam đã trên hành trình thực hiện giai đoạn 2011 – 2020; Hai là nhiệm vụ của nhà hoạch định chính sách phải nhận dạng được trong thời gian tới, những vấn đề cần cải thiện và những vấn đề cần ưu tiên.
Tiếp theo đó, phiên thứ hai của hội thảo là các trao đổi và thảo luận của đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và tổ chức Quốc tế về Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục việt Nam 2011 – 2020 với sự đồng chủ trì của Viện trưởng Lê Anh Vinh và Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao các số liệu trong báo cáo. Các chuyên gia cho rằng giáo dục Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung muốn phát triển phải cải thiện cơ chế quản lý vĩ mô, cơ chế tài chính ngân sách, cơ chế nguồn nhân lực…
Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020, có nội dung chính các phân tích Tiếp cận, Công bằng và Chất lượng giáo dục của hệ thống giáo dục, đồng thời tập trung phân tích hai chủ đề khác là Quản lý nhân lực và Tài chính giáo dục... Cấu trúc gồm 7 chương: Chương 1 phân tích bối cảnh tác động đến giáo dục; Chương 2 đánh giá thực trạng tiếp cận và công bằng giáo dục; Chương 3 phân tích chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông; Chương 4 tập trung thảo luận về mô hình phát triển giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời; Chương 5 phân tích vấn đề cơ bản về giáo dục đại học; Chương 6 bàn về các vấn đề quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; và Chương 7 tập trung vào một số khía cạnh tài chính trong giáo dục.