Công bằng và chất lượng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, các phương thức xét tuyển gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường và các phương thức khác; theo đề án của cơ sở đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tổ chức; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy của đơn vị khác tổ chức; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức;

Xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu; kết quả học tập THPT với điểm thi năng khiếu; kết quả học tập với điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; chỉ cần sử dụng chứng chỉ quốc tế; qua phỏng vấn…

Với 20 phương thức xét tuyển, không có nghĩa thí sinh sử dụng tất cả để “ứng tuyển”. Trên thực tế, 20 phương thức này chủ yếu xoay quanh 6 phương thức “gốc” là: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; học bạ THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp. Vì vậy, thí sinh cần quan tâm, chuẩn bị tốt nhất các phương thức “gốc” và lựa chọn theo sở trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tránh tình trạng ôm đồm dẫn đến phân tán, hiệu quả thấp.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả xét tuyển đại học những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển chủ yếu tập trung vào một số phương thức như: Điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và các phương thức xét tuyển kết hợp khác...

Đơn cử năm 2023, có hơn 660 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển với xấp xỉ 3,4 triệu nguyện vọng đăng ký. Có hơn 494 nghìn thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học ngay đợt 1 trên hệ thống. Trong đó, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ cao nhất (49,45%); tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập cấp THPT (30,24%). Thi đánh giá năng lực, tư duy chiếm tỷ lệ 2,57% và các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm tỷ lệ 14,10%.

Đáng nói, năm 2023 vẫn có cơ sở giáo dục đại học sử dụng quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp nên chưa bảo đảm công bằng cho thí sinh. Việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Ngoài ra, nhiều trường áp dụng xét tuyển sớm nên không dự báo được lượng thí sinh ảo. Trước thực trạng này, hơn bao giờ hết các đơn vị cần điều chỉnh, hoàn thiện và cân nhắc số lượng phương thức xét tuyển, tránh phức tạp, rắc rối cho thí sinh.

Theo đó, các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả tuyển sinh, học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển. Trên cơ sở đó, loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả; đồng thời có phương án xét tuyển nhằm bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Bộ GD&ĐT từng khẳng định, tuyển sinh năm 2024 được giữ ổn định như năm trước. Dẫu vậy, mỗi cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể điều chỉnh thêm, bớt một số phương thức xét tuyển hoặc phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức. Tuy nhiên, dù tuyển sinh bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu vào và công bằng cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ