Con xa lạ với ông bà vì mẹ "giữ" quá chặt

GD&TĐ - Hồi mới cưới, hai vợ chồng rất chịu khó về quê, hầu như cuối tuần nào chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp về cho bố mẹ vui. Nhưng từ ngày có con, tôi ít về hơn với lý do con nhỏ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến khi con lớn, tôi không còn lý do để trốn tránh, đành phải cho con về quê dịp hè và dịp Tết. Điều làm tôi phiền lòng nhất là mỗi lần về quê, mọi người ở quê thường tỏ ra “chê” con tôi. Nào là con bé cần phải cho về thường xuyên để có kỹ năng sống, nào là để con bé sống tình cảm, không xa cách ông bà…

Mỗi lần thấy ai nói ra nói vào về chuyện này là tôi lại “nặng mặt”: “Ở thành phố bọn trẻ con nó sạch sẽ quen rồi, chứ đâu có chân đất chạy lông nhông như bọn trẻ con ở đây đâu chứ, vừa mất vệ sinh, vừa dễ nhiễm bệnh…”.

Câu nói của tôi chỉ là bênh con, bảo vệ quan điểm nuôi dạy con của mình, chứ không mang ý chê bọn trẻ con ở quê, càng không nghĩ điều đó khiến mọi người cảm thấy tự ái và để bụng.

Tôi không thích cho con về quê, không thích nhìn cảnh con mình lấm lem bùn đất, nhưng khi con được nghỉ hè, không có ai trông, vợ chồng tôi vẫn phải gửi con về quê, vừa là thỏa mong muốn của ông bà, vừa là để hai vợ chồng yên tâm công tác.

Nhưng trước khi “thả con”, tôi chuẩn bị đủ thứ đồ ăn thức uống, quần áo lỉnh kỉnh vì sợ… con không ăn quen đồ ăn ở quê, sợ con về quê chơi bẩn sẽ phải thay quần áo liên tục…

Không ngày nào tôi không gọi điện về nhà “nhắc nhở” ông bà: Không cho cháu chạy ra sân chơi, không cho cháu đi theo các anh chị lớn ra đồng vì sợ nắng gió, không cho cháu uống nước lạnh, không cho cháu ăn bốc, không cho cháu thức khuya, xem tivi nhiều… và ti tỉ thứ khác, đến nỗi chồng tôi còn bực mình: “Em cứ làm như mình em có con, mình em biết chăm con ấy. Chẳng gì ông bà cũng nuôi được ba đứa con trưởng thành khỏe mạnh, thành đạt, chăm được bao nhiêu đứa cháu họ, chẳng nhẽ cháu mình lại không biết chăm…”.

Khi ấy tôi chẳng bận tâm đến lời chồng, một bực bảo vệ quan điểm của mình: Con trẻ cần được chăm bẵm sạch sẽ, khoa học…

Thế rồi chính tôi đã phải trả giá cho điều ấy khi con tôi đến tuổi đi học. Nghĩ rằng phải đâu tư toàn diện cho con ngay từ khi bắt đầu, tôi quản con chặt hơn cả ngày trước, thậm chí còn không cho con về quê.

Mỗi khi có công việc, tôi tìm cách gửi con ở nhà bạn, hai vợ chồng về quê, giải quyết nhanh chóng rồi lại về thành phố ngay trong ngày hôm đó.

Tôi không hề ý thức được rằng con mình đang biến thành “gà công nghiệp”, ngoài việc ăn – học – ngủ và chơi điện tử, nó không còn quan tâm đến những người xung quanh mình, cũng chẳng có nhu cầu khám phá thế giới bên ngoài căn phòng của nó.

Mỗi lần về quê là một lần vợ chồng tôi phải to tiếng với con. Chúng tôi “dọa nạt” đủ kiểu, nào là con không về thì bố mẹ sẽ không cho chơi điện tử, không cho tiền ăn sáng, không mua quần áo mới…

Con tôi hồn nhiên hỏi: “Tại sao cứ phải về quê? Ở quê làm gì có internet”. Tôi kiên nhẫn thuyết phục con: “Ở quê có ông bà, chúng ta phải về thăm ông bà chứ con”. Con tôi quạu mặt: “Nhưng con chẳng có cảm giác họ hàng với ông bà gì cả”. Tôi lặng người khi nghe câu nói ấy, chồng tôi lắc đầu chán nản: “Đấy, em thấy chưa, em làm hỏng con rồi”.

Tất nhiên con luôn là kẻ thua cuộc sau mỗi lần giằng co ấy, nó vẫn phải về quê vì ý thức được rằng trẻ con phải nghe lời người lớn.

Con làm theo ý mình nhưng tôi vẫn thấy xấu hổ vô cùng khi chứng kiến cái cách con né tránh những cái ôm hôn của ông bà và họ hàng. Tôi cũng rất khổ sở khi phải nghe những lời chỉ trích khi con không cư xử thân thiện với chính những người họ hàng yêu quý của mình. Tôi chẳng còn gì để lý sự như trước nữa, đây là hậu quả do chính tôi gây ra.

Đến lúc này tôi mới hiểu, việc về quê thăm ông bà sẽ giúp con có nhiều bài học quý từ thực tế. Ngoài tình cảm gia đình thiêng liêng và sâu nặng thì con còn mở rộng tầm hiểu biết những gì gần gũi, thân thương của làng quê, mà ở thành phố không dễ gì biết được như đồng lúa, hàng tre, đàn cò, con trâu, con bò, dòng sông trong xanh... và được vui chơi trong không gian rộng lớn của đồng quê, vui chơi với anh em, bạn bè - nơi tuổi thơ nhiều kỷ niệm mới khiến tâm hồn con thênh thang cảm xúc.

Tôi biết, thay đổi thói quen của một đứa trẻ đã khó, “ép” nó nảy sinh tình cảm với ông bà, họ hàng còn khó hơn. Nhưng tôi sẽ quyết tâm sửa sai. Tôi sẽ giúp con hiểu rằng, có ông bà mới có các cháu, bởi vậy dù sau này con đi đâu, làm gì cũng phải luôn nghĩ về ông bà, hướng về quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.