Một nhóm các nhà côn trùng học nghiệp dư thuộc Câu lạc bộ Krefeld (Đức) cảnh báo về khả năng tuyệt chủng của các loài sâu bọ trên Trái đất. Các quan sát của họ là kết quả của công việc trên địa bàn cũng như việc phân tích cơ sở dữ liệu lớn.
Tuy nhiên, phát hiện của các nhà côn trùng học nghiệp dư Đức không được nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi vì nhóm không có ngân sách như các trường ĐH và các cơ sở nghiên cứu lớn.
Thay vào đó, các thành viên của nhóm đã thu thập được nhiều dữ liệu về côn trùng và sự phân bổ côn trùng trong các hệ sinh thái địa phương từ những năm 80 thế kỷ trước.
Các nhà khoa học quan sát được xu hướng đáng lo ngại, đó là số lượng côn trùng giảm rất mạnh trong những năm gần đây.
“Chúng tôi đã nhận thấy vấn đề này từ năm 2011, nhưng từ đó đến nay tình hình ngày càng xấu đi” - ông Martin Sorg, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Krefeld cho biết như vậy.
Nhờ các nghiên cứu do Krefeld công bố năm 2017, giới khoa học đã ghi nhận sự sụt giảm sinh khối côn trùng có cánh tới 76% tại 63 khu vực bảo tồn thiên nhiên của Đức.
“Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là tính đa dạng sinh học có thể mất đi mãi mãi. Nguyên nhân của sự suy giảm số lượng côn trùng là do tác động của con người. Đây là điều chắc chắn” – Giáo sư Hans de Kroon, người sử dụng dữ liệu của nhóm Krefeld cho công việc nghiên cứu, khẳng định như vậy.
Dữ liệu mới còn đáng lo ngại hơn nữa. Trong vòng vài thập niên tới, 40% số côn trùng có thể bị chết. Có nhiều nguyên nhân, nhưng thủ phạm chính vẫn là con người. Côn trùng không chịu nổi biến đổi khí hậu.
Nhiều loài côn trùng không có cơ hội thích nghi với thực tại mới. Việc con người sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón nhân tạo cũng làm mất đi chỗ trú ngụ của côn trùng.
Dường như chúng ta không sống nổi trong thế giới không có côn trùng. Việc canh tác lương thực trông chờ một phần vào côn trùng phấn, chủ yếu là ong. Loài ong ảnh hưởng đến 35% sản lượng lương thực trên thế giới.