Con trầm cảm vì bố miệt thị, luôn tạo áp lực học hành

Con làm gì bố cũng chê. Con không hoàn hảo nhưng có nhất thiết bố phải miệt thị con không? Bố chỉ quan tâm đến em trai con, còn con thì bố coi như người vô hình trong nhà. Thế nhưng, bố luôn đặt lên con áp lực học hành đến mức khiến con bị trầm cảm.

Bố luôn tạo áp lực chuyện học hành lên con. Ảnh minh họa.
Bố luôn tạo áp lực chuyện học hành lên con. Ảnh minh họa.

Năm ngoái, đã có một thời gian con bị trầm cảm. Cũng chỉ vì bố luôn tạo áp lực lên con chuyện học hành. Kỳ thi vào lớp 10, vốn dĩ nó đã quá căng thẳng, vậy mà con còn bị áp lực gấp đôi từ bố nữa khiến con không thể chịu đựng nổi.

Ngày nào con cũng phải “è cổ” hoàn thành một chồng bài tập, lại còn “lăn lê” ở các lớp học thêm, đến lớp thì cô giáo yêu cầu gắt gao, những đứa trẻ 14, 15 như con chỉ thèm được yên tĩnh, chỉ thèm một giấc ngủ ngon. Vậy mà, lúc nào bố cũng đặt lên vai con gánh nặng: Không đỗ vào trường top 1 thì nghỉ học.

Kỳ thi thử cuối cùng của năm lớp 9, môn Văn con được 3 điểm. Con sốc thật sự. Con bị cô giáo mắng xối xả trước lớp, bị cô giáo dạy thêm lắc đầu, thất vọng, bị bạn bè nhìn với ánh mắt khác, con cảm thấy vô cùng xấu hổ, chán chường.

Lúc ấy, trở về nhà, con chỉ ao ước nhận được câu nói của bố: Không sao đâu con à! Vẫn còn thời gian để mình cố gắng.

Tuy nhiên, bố nhìn con chẳng thèm nói. Sự im lặng khiến con khó thở và cảm thấy vô cùng nặng nề. Sau đó, là “cuộc chiến tranh” giữa bố và mẹ.

Bố đổ lỗi cho mẹ đã không nghiêm khắc với con, không đôn đốc con học hành. Mẹ đổ lỗi cho bố chỉ biết quát mắng, đòi hỏi con chứ không bao giờ đưa con đi học thêm. Bố mẹ trách nhau không để ý, không quan tâm đến con, để con mải chơi nên bị điểm thấp.

Cãi nhau chán, bố mẹ còn đi đến “thống nhất”: Đầu tư bao nhiêu tiền cho nó học, nó không đỗ thì cho nó nghỉ, cho nó đi học nghề! Con với chả cái, học hành cũng không xong!

Chứng kiến “cuộc chiến” của bố mẹ, con đã lẳng lặng đi vào phòng. Đêm đó, con thức đến sáng. Con cảm thấy trống rỗng và chán ghét bản thân mình.
Cũng từ ngày đó đến khi bước vào lớp 10, con bị trầm cảm. Con chỉ thích ngồi một mình, con không muốn tiếp xúc với ai, kể cả với đứa bạn thân nhất của con. Có những lúc, con nghĩ đến việc “trốn” khỏi thế giới này. Con sống như người không hồn từ  đó.

Cũng may, điểm của con đủ để vào ngôi trường mà bố mong muốn. Nhưng gần hết năm lớp 10, con mới có đủ tự tin để nói chuyện với bạn bè. Còn mỗi lần đối diện với bố, con gần như không nói được gì, con chỉ biết lặng câm

bo-va-con-gai.jpg

Con thấy mình thật đáng thương vì cứ như không phải con của bố, vì cách bố đối xử không có chút ấm áp, yêu thương nào. Ảnh minh họa.

Bố vẫn không nhận ra những bất thường ở con. Bố chỉ nghĩ đơn giản rằng sự im lặng là do con chống đối bố, là do con bướng bỉnh. Bố vẫn duy trì cách đối xử với con trước, không tôn trọng, không yêu thương. Chỉ cần không hài lòng là bố chửi mắng. Ngẫm ra, chẳng có chuyện gì của con làm bố có thể hài lòng.

Nào là: Mày nấu thế mà cũng nấu được à, mày định nấu cho chó ăn à! Mày ngu như chó chứ biết cái gì…

Con biết mình không hoàn hảo nhưng có nhất thiết bố phải miệt thị con không?

Mắng chửi con chưa đủ, bố còn coi con như người vô hình trong nhà. Trong khi bố luôn hỏi em trai con thích ăn gì để bố mua thì bố không bao giờ hỏi con. Bữa cơm luôn là các món em trai con thích và không bao giờ có món con thích. Bố có thể thản nhiên gọi điện cho con hỏi em trai ăn sáng chưa để bố mua, còn con thì không. Và bố mua đồ ăn sáng về cho em trai con, còn con ăn hay chưa thì cũng mặc kệ.

Bố cũng biết, con có một đứa bạn thân để có thể tâm sự. Vậy mà, lần đầu tiên bạn ấy đến nhà chơi, bố xơi xơi mắng con và bạn ấy: Chúng mày chỉ tụ tập đú đởn, suốt ngày a dua, la cà với bọn vớ vẩn!

Bạn ấy “đứng hình” còn con thì “đứng tim”. Con thấy mình thật đáng thương vì cứ như không phải con của bố, vì cách bố đối xử không có chút ấm áp, yêu thương nào.

Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.