Hôm trước, ngồi ăn sáng ở quán cà phê vỉa hè gần nhà, tôi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ bồng con nhỏ, bên cạnh là một cậu bé khoảng 3 - 4 tuổi.
Người mẹ ăn mặc hiện đại với đôi giày cao, váy ngắn và đeo kính đen. Cậu con trai sành điệu không kém: áo sơ mi, quần jean dài và đôi giầy da lộn rất đẹp. Có lẽ họ đang ngồi đợi ai để đi chơi.
Trẻ em thường khó chịu trong những bộ đồ "hộp". |
Cậu bé có vẻ không thoải mái trong bộ đồ đó, nên liên tục ngọ nguậy, rồi như muốn tháo giày ra khỏi chân. Khi cậu đang cố gắng tháo dây giầy, bà mẹ ngăn lại và la mắng xối xả: "Để yên đó. Muốn ăn đòn hả?".
Cậu bé rụt tay lại, rồi đứng lên, buồn bã ra khoảng sân trước mặt chơi. Khó chịu, cậu lại đưa tay xuống chuẩn bị tháo giầy. Lại bị mắng. Lại thôi. Liên tiếp mấy lần như vậy, cho đến lúc bà mẹ giận dữ, mất kiểm soát. Chị chạy ra tát thẳng vào mặt cậu bé, rồi quay sang thanh minh với người bên cạnh: "Đấy, bướng thế, cấm rồi mà cứ đòi tháo ra".
Chị về chỗ ngồi, lúc sau, chị tiếp tục hăm he thằng bé: "Tháo ra nữa là ăn đòn nghe con!".
Tôi nhìn bộ đồ mà chị mua cho con chị, đôi giầy của con chị, biết giá của nó không dưới triệu đồng. Đồ thật đẹp, thật xịn, nhìn rất bảnh. Nhưng tôi nhìn lại những giọt nước mắt của cậu bé, vẻ mặt đầy cam chiu, sự bức bối của cậu bé, thấy mà thương.
Hãy chọn lựa đồ sao cho trẻ thật thoải mái. |
Rõ ràng ước muốn của cậu bé vào thời điểm đó không phải là bộ đồ đẹp kia, mà là được vứt tung đôi giầy cho đôi chân tự do.
Tôi tự hỏi, mặc đẹp như thế, liệu có phải là đứa trẻ muốn hay không? Mặc đẹp là mặc để phục vụ mẹ nó hay phục vụ nó?
Con trai tôi vào giai đoạn ba bốn tuổi, không bao giờ chịu mặc một cái quần jeans hay kaki nào, vì theo như trình bày của cháu, là vải dày và nóng, cạp quần quá cứng, làm cháu bị cấn ở lưng. Có năn nỉ, nạt nộ cỡ nào, cháu cũng không chịu mặc.
Có lẽ một phần do tôi cho cháu thoải mái ngay từ bé. Vì vậy, lần nọ, đi dự tiệc cưới sang trọng ở trung tâm Sài Gòn, tôi ép cách nào, cháu cũng không chịu mặc bộ đồ đẹp mẹ mới mua, vì nóng, khó chịu. Cận giờ đi, tôi đành chịu thua và để con mặc bộ đồ ở nhà cùng đi đôi dép lê quen thuộc.
Giữa nhà hàng lộng lẫy, bên những đứa trẻ áo sơ mi tay gài nút, quần dài đi với giầy da, con tôi trở nên lạc lõng, khiến nhiều người để ý. Vài người nhìn cháu với vẻ khó chịu, vài người bạn nhắc tôi sao không cho con mặc đồ đẹp hơn. Tâm lí của tôi lúc ấy khá ngại ngùng, vì rõ ràng trang phục của con không đúng với bối cảnh.
Nhưng, trái với sự e ngại của người lớn, con trai tôi vẫn chơi đùa rất thoải mái. Các bạn cháu cũng không hề chú ý gì tới áo quần của nhau. Rõ ràng việc mặc thế nào không hoàn toàn không ảnh hưởng tới bọn trẻ.
Con trai tôi thích mặc bộ đồ có hình siêu nhân, dù nó đã cũ mèm và lủng một vài lỗ. Cô con gái có thói quen phối đồ kì cục giữa chiếc áo mèo Kitty vẽ đủ thứ họa tiết với chiếc quần lửng của bộ đồ khác…
Dù không đẹp mắt, nhưng khi tôi muốn đổi lại đồ khác cho đẹp bé cũng nhất quyếtn không đồng ý. Và các con vui vẻ trong sự lựa chọn đó của chúng.
| |
Trẻ con có nhất thiết phải luôn sạch đẹp? |
Cho con mặc đẹp cũng là cách dạy trẻ mỹ quan, hướng trẻ tới với cái đẹp và sự phù hợp. Cha mẹ nào chẳng muốn vậy, nhưng tôi nghĩ cũng không bó hẹp cuộc đời cháu chỉ trong những bộ đồ đẹp mắt người lớn.
Trẻ con luôn cần sự thoải mái và vui chơi hơn là những bộ đồ đẹp nhưng gò bó, chật chội. Nếu chọn được bộ trang phục vừa phù hợp hoàn cảnh, vừa cho các cháu cảm giác dễ chịu, thì đó là bộ đồ lý tưởng.
Cậu bé mà tôi nhắc tới ở trên có bộ đồ mà ai nhìn vào cũng sẽ khen ngợi rằng cháu đẹp trai, rằng mẹ nó sành điệu, khéo chọn đồ. Nhưng tôi nghĩ, tất cả vẫn không lấp đầy được sự khó chịu khi cậu thèm chạy chơi, sự tổn thương vì bị mẹ cho ăn tát khi cố tháo đôi giầy nóng nực.
Tôi nghĩ, nếu thực sự yêu thương trẻ hãy để cho trẻ quyền chọn đồ. Dạy trẻ sự tươm tất, gọn gàng, đẹp đẽ và ăn mặc đúng hoàn cảnh, song nếu trẻ quá "chướng", thì đánh mắng, đừng ép buộc. Giả sử ai đó ép bạn mặc thứ khiến bạn khó chịu, không thoải mái, thì bạn có theo không?
Xin đừng tước quyền được mặc đồ xấu của trẻ.