Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.
Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc, vợ chồng nghệ nhân Phạm Thế Nhuần (Nghệ nhân Ưu tú, sinh năm 1950) và Vũ Thị Thanh Minh (Nghệ nhân Nhân dân, sinh năm 1954) đã dành nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn và trao truyền Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Câu ví đưa duyên

Ngôi nhà của vợ chồng nghệ nhân già nằm ở trên trục đường chính của thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Từ nhiều năm qua, đây đã trở thành nơi sinh hoạt chung của những người trót say mê với những làn điệu dân ca ví, giặm.

Trong ngôi nhà, phần lớn diện tích được vợ chồng ông bà dùng làm sân khấu để tập luyện và biểu diễn, một phần làm nơi để đạo cụ, trang phục. Nhiều tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Nghệ Tĩnh như “Thử lòng chung thủy”, “Thần sấm ngã”, “Ô Lục Soạn”… cũng được tập luyện tại đây.

Trang trí cho căn phòng là những bức ảnh – tư liệu quý của vợ chồng nghệ nhân sau hơn 40 năm gắn bó với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Cũng chính dân ca ví, giặm đã làm “bà mối” để ông bà nên duyên vợ chồng.

Nghệ nhân Phạm Thế Nhuần vốn không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nhưng chính những đêm trăng hát ví bên bờ sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên của các bà, các chị đã khiến ông say mê dân ca ví, giặm từ lúc còn thiếu niên.

Lớn lên, ông làm lái xe tại một đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải đóng tại thành phố Vinh (Nghệ An) và là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị.

Còn nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An. Bà được thừa hưởng lòng say mê hoạt động văn hóa nghệ thuật của gia đình. Cha bà là cụ Vũ Minh Ngọc, biên đạo múa, còn người cô ruột là cụ Vũ Minh Hoa, diễn viên của Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh.

Trong những năm kháng chiến, Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh đi khắp các chiến trường, hậu phương biểu diễn khích lệ cho tinh thần chiến đấu, sản xuất của quân và dân ta.

Năm 1965, cụ Vũ Minh Hoa cùng với các diễn viên Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh đã có may mắn được biểu diễn bài dân ca Nghệ Tĩnh “Thần sấm ngã” cho Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghe tại Phủ Chủ tịch. Bác Hồ đã xúc động bật khóc khi được nghe những giai điệu dân ca ngọt ngào của quê hương về tinh thần dũng cảm chống Mỹ của nhân dân quê nhà.

Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thấm vào hơi thở của nghệ nhân Thanh Minh. Nhận thấy tố chất từ con gái, cụ Vũ Minh Ngọc đã cho con gái 14 tuổi theo học Trung cấp nghệ thuật tại Hà Nội. Và chỉ 2 năm sau, cô gái Vũ Thị Thanh Minh được chính thức vào công tác tại Đoàn văn công Nhân dân Nghệ Tĩnh.

Thời điểm đó, hầu hết các diễn viên đều không qua trường lớp, chỉ biểu diễn theo khả năng sẵn có, tự nhiên. Nhờ vậy, Thanh Minh luôn được đoàn chọn hát và đóng các vai chính, hát những bài hát chính, phục vụ cho nhân dân và những vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Cũng tại Đoàn văn công Nghệ Tĩnh, những buổi văn nghệ giao lưu ví, giặm giữa 2 đơn vị đã làm nhịp cầu nối duyên cho 2 tâm hồn đồng điệu. Từ những sân khấu văn hóa thôn xóm đến liên hoan toàn quốc, những hội diễn quốc tế họ đã trở thành những bạn diễn vô cùng ăn ý.

“Từ bạn diễn rồi thành bạn đời cũng đã ngót hơn 40 năm gắn bó với nhau. Đó là một món quà tuyệt vời mà dân ca ví, giặm đã đưa đến cho chúng tôi”, nghệ nhân Phạm Thế Nhuần nhìn vợ trìu mến.

Tình yêu và niềm đam mê ca hát của các thế hệ cha ông đã được trao truyền lại cho những thế hệ trẻ trong gia đình. Con cháu của cặp nghệ nhân Phạm Thế Nhuần và Vũ Thị Thanh Minh cũng đang theo đuổi đam mê nghệ thuật, từng ngày góp sức bảo tồn di sản dân ca ví, giặm. Con trai của ông bà là Phạm Công Hoàn, Phạm Công Định và con dâu là Trần Thị Phương Thảo đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.

Cháu Phạm Trần Linh Đan (sinh năm 2011 - con gái nghệ sĩ Công Hoàn - Phương Thảo) còn nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ tố chất nghệ thuật. Linh Đan thường xuyên tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật tại các sự kiện trong tỉnh; nhiều lần được đứng chung sân khấu với ông bà, bố mẹ mình.

Đó cũng chính là động lực để cặp nghệ nhân hăng say lao động sản xuất, “lấy kinh tế nuôi câu hát”, trao truyền và bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca ví, giặm.

con-suc-con-trao-truyen-dan-ca-vi-giam-1-9646.jpg
Vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Thế Nhuần và Nghệ nhân Nhân dân Thanh Minh.
con-suc-con-trao-truyen-dan-ca-vi-giam-4.jpg
Nghệ nhân Thanh Minh trong buổi đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2022.

Làm kinh tế nuôi câu hát

Sau năm 1990, vợ chồng nghệ nhân Thế Nhuần - Thanh Minh nghỉ hưu, trở về quê hương Cẩm Mỹ sinh sống và bắt đầu khôi phục lại phong trào hát dân ca ví, giặm tại địa phương và thành lập câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ.

Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Đã có rất nhiều chương trình Dân ca ví, giặm và phóng sự của vợ chồng và câu lạc bộ được phát trên các đài từ Trung ương đến địa phương. Và những hình ảnh biểu diễn của câu lạc bộ đã được các đài dùng làm hình ảnh đại diện cho chương trình Dân ca Nghệ Tĩnh của tỉnh.

Nghệ nhân Thanh Minh cho biết, hiện nay, Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều đến đời sống các nghệ nhân dân gian, song điều kiện kinh phí hạn chế đã trở thành trăn trở đối với nghệ nhân. Để theo đuổi đam mê và duy trì câu lạc bộ, 2 ông bà mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại rộng gần 40 ha, trong đó 20 ha trồng keo, diện tích còn lại trồng các loại cây như sở, sim, mắc ca…

Sau nhiều năm phát triển kinh tế hộ gia đình, ngoài ổn định đời sống, ông bà đã trích ra một số tiền để mua sắm đạo cụ, quần áo biểu diễn đủ để phục vụ một chương trình từ 8 - 12 tiết mục. Không chỉ dìu dắt trên sân khấu, trong cuộc sống đời thường, hễ các thành viên trong câu lạc bộ gặp khó khăn, ông bà đều kịp thời có mặt, sẻ chia.

con-suc-con-trao-truyen-dan-ca-vi-giam-2.jpg
Họ vừa là bạn đời vừa là bạn diễn suốt 40 năm.

Ông bà còn là cộng tác viên tích cực của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh… góp phần lan tỏa dân ca ví, giặm đến đông đảo khán thính giả trên cả nước.

Nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh còn được mời tham gia truyền dạy các làn điệu cổ, gốc trong kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cho giáo viên các trường tiểu học và các nghệ nhân của các câu lạc bộ trong toàn tỉnh.

Để góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, từ khi còn hoạt động trong Đoàn văn công Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Thanh Minh đã cùng chồng rong ruổi khắp các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh để sưu tầm, bảo tồn các làn điệu cổ.

Ngoài ra, ông bà cũng tìm tòi, phát hiện, bồi dưỡng thêm những nhân tố có tiềm năng để đào tạo cho lớp kế cận. Nhiều nhân tố mới đã được nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh phát hiện như các em: Khánh Hà, Nhật Anh, Cẩm Hằng…

“Nếu không bảo tồn, phát triển những thế hệ kế cận thì dân ca ví, giặm sẽ rất dễ mai một và thất truyền, nhất là những làn điệu cổ. Danh hiệu mà chúng tôi đạt được vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm đối với Di sản văn hóa nhân loại. Chính vì vậy còn sức, còn hát và vợ chồng tôi còn trao truyền dân ca ví, giặm”, Nghệ nhân Nhân dân Thanh Minh tâm niệm.

Với những cống hiến của mình, năm 2012, ông bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Năm 2015, bà Vũ Thị Thanh Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2019, ông Phạm Thế Nhuần cũng được phong tặng danh hiệu này. Đến tháng 9/2022, bà Vũ Thị Thanh Minh tiếp tục được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ