Xếp hàng từ nửa đêm
Hàng dài người dùng ngóng đợi được cầm trên tay và đập hộp những chiếc iPhone vốn không mấy xa lạ tại Việt Nam và trong năm 2020 này, mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi. Số lượng iFan xếp hàng nhận máy tại các đại lý thậm chí còn đông hơn mọi năm.
Nhiều hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Shopdunk, Di Động Việt,... đồng loạt bán ra cả 4 mẫu iPhone mới gồm iPhone 12, 12 mini, 12 Pro và 12 Pro Max.
Hiện, mức giá niêm yết của iPhone 12 mini từ 22 triệu đồng, iPhone 12 từ 25 triệu đồng cho phiên bản 64 GB. Trong khi đó, iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max phiên bản 128 GB có giá khởi điểm lần lượt từ 31 triệu đồng và 34 triệu đồng.
Theo khảo sát tại các cửa hàng điện thoại, mẫu iPhone 12 Pro Max gặp phải tình trạng khan hàng, nhất là đối với các phiên bản màu vàng và trắng. Một số người dùng sẽ phải chờ đến đợt hàng tiếp theo vào ngày 3/12 để có thể nhận máy. Trong khi đó, hai mẫu 12 và 12 mini luôn có sẵn hàng, người dùng sẽ không cần đặt cọc trước
Theo thông tin từ Thế giới Di động, lượng khách hàng đặt mua iPhone tăng kỷ lục với 15.000 đơn hàng và 12.000 đặt cọc, gần gấp đôi năm ngoái. Phiên bản iPhone 12 Pro max chiếm tỷ lệ cao nhất với 50% trên tổng đơn đặt hàng.
Hệ thống cửa hàng FPT ghi nhận hơn 41.000 đơn hàng. Trong đó, iPhone 12 Pro Max chiếm đến 68% số đơn đặt trước, tiếp đến là iPhone 12 Pro với 19%, iPhone 12 và iPhone 12 mini chiếm lần lượt 10% và 4%.
Tại hệ thống Di dộng Việt, lượng đặt mua iPhone 12 Pro Max cũng lớn nhất, chiếm đến 64% đơn hàng. Chưa dừng lại ở đó, mẫu máy này được người dùng Việt săn đón đến mức còn xảy ra tình trạng khan hàng tại một số đại lý.
Xách tay trầm lắng
Nếu như năm ngoái, iPhone 11 series về Việt Nam trước cả khi Apple mở bán và đến ngày chính thức mở bán thì chỉ tầm chiều tối là các cửa hàng đã ngập tràn iPhone "xách tay", song iPhone 12 series năm nay lại khó khăn bội phần.
Apple rất muốn “dọn dẹp” thị trường iPhone xách tay nhưng gần như bất khả thi. Đến mùa iPhone 12, họ có đủ các yếu tố thuận lợi để giành giật thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam có giá trị được cho là lên đến hơn 300 triệu USD.
Yếu tố thứ hai là qui định mới xử phạt hành vi bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ với mức tối đa từ 100-200 triệu đồng đối với cá nhân và tổ chức.
Thời gian gần đây, Apple đang tạo ra nhiều hạn chế cho iPhone xách tay trong việc bảo hành, khiến cho quyền lợi của người mua không được đảm bảo. Chính vì thế, thị trường iPhone xách tay trở nên đìu hiu và chậm chạp.
Trước đó, hệ thống Nhật Cường Mobile bị khám xét, sau đó ông chủ hệ thống này bị khởi tố, điều tra về tội buôn lậu. Vụ việc này cũng thúc đẩy các hệ thống lớn ngừng kinh doanh hàng xách tay, không chính ngạch.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới Di động, lý giải sức hot của Iphone 12 năm nay nhờ những ưu điểm mà mức giá không chênh lệch nhiều. Ông cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh, điện thoại xách tay về không nhiều nên giá không còn cạnh tranh với hàng chính hãng. Thời gian mở bán iPhone 12 ở Việt Nam cũng sớm hơn so với các nước trong khu vực nên người mua có xu hướng chọn hàng chính hãng nhiều hơn so với xách tay.
Đánh giá về thị trường điện thoại di động tại Việt Nam, hãng phân tích thị trường IDC cho rằng, những sản phẩm của Apple luôn có sức hút tại Việt Nam, một nơi có dân số trẻ và rất am hiểu về thương hiệu, nơi mà có rất nhiều người thèm khát vẻ hào nhoáng từ những cái nhìn đầu tiên mà iPhone mang lại.
Theo báo cáo "Điện thoại và ứng dụng di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020" của Appota, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ người sử dụng smartphone với khoảng 45% dân số trên cả nước. Nếu tính thị phần smartphone dựa theo thiết bị thì đến tháng 6/2020, Apple đang là thương hiệu được dùng nhiều nhất với 39%.