Gậy ông lại đập lưng ông
Người đàn ông trên tấm áp phích là Mohsen Hojaji, 26 tuổi, cũng vô danh như hàng ngàn người Iran khác, những người liên tuc di chuyển ra vào vùng chiến sự giữa Iraq và Syria trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi bị IS bắt và sát hại tháng 8 năm vừa qua, Mohsen đã trở thành một vị anh hùng chiến tranh, là gương mặt đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Iran.
Sau nhiều năm hoài nghi, nhạo báng hoặc đơn giản là điều chỉnh các đường lối chính trị, tầng lớp trung lưu thành thị của Iran bị cuốn hút bởi làn sóng của lòng nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa. Lý do cho sự thay đổi thái độ của người dân Iran được cho là bắt nguồn từ 2 yếu tố liên quan: Cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump và cuộc cạnh tranh ngày càng tăng với Ả-rập Xê-út, đối thủ chính của Iran trong công cuộc giành quyền thống trị khu vực.
Người Iran đã lắng nghe khi trong chiến dịch chạy đua của mình năm 2016, ông Trump lên án Hiệp ước hạt nhân Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán” và hứa sẽ... phá nát Hiệp ước này. Họ e dè và lo lắng khi ông Trump lên làm tổng thống, tiếp tục bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD cho Ả-rập Xê-út, đồng thời tích cực tham gia vào ván bài chiến tranh ở Riyadh.
Họ cũng lo ngại trước những động thái chính sách đối ngoại của ông hoàng Ả-rập Xê-út trẻ tuổi Mohammed bin salman, một nhân vật mà họ cho là nóng nảy và thiếu kinh nghiệm. Đồng thời, giờ đây, người dân Iran cũng tin rằng họ có điều gì đó để tự hào, khi lực lượng dân quân do người Iran dẫn đầu đang đóng một vai trò trung tâm trong việc đánh bại IS ở Syria và Iraq, làm tăng ảnh hưởng khu vực của Iran trong tiến trình này.
Hiện nay, những người nổi tiếng nhất ở Iran, một đất nước có nền điện ảnh, rạp hát và âm nhạc phát triển, không phải là diễn viên hay ca sĩ, mà là hai nhân vật chính: Tướng Qassim Suleimani, chỉ huy các nỗ lực quân sự trong khu vực của Iran, người được coi như biểu tượng của chiến thắng và sự thành công; và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, biểu tượng của một Iran thận trọng và “biết điều”.
Tình thế đảo ngược
Những người theo chủ trương cứng rắn của Iran đang thưởng thức sự đảo ngược tình thế, sau những năm họ mất đi ảnh hưởng khi ông Obama cầm quyền ở Mỹ. Hamidreza Taraghi, một nhà phân tích chính trị, cho rằng: “Chính những nhận xét không trung thực, thậm chí điên rồ của ông Trump đã chứng minh cho điều mà chúng tôi đã nói trong một thời gian dài: Không thể tin tưởng vào Mỹ. Nhiều người đã không tin chúng tôi, nhưng bây giờ thì họ đã tin”.
Hạt giống của chủ nghĩa dân tộc mới được ươm trồng ở Iran với cuộc bầu cử Hassan Rouhani lên làm Tổng thống vào năm 2013. Đây là lần đầu tiên các tầng lớp trung lưu thành thị Iran có được niềm hy vọng, kể từ sau cuộc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đường phố sau bầu cử tổng thống năm 2009.
Tổng thống Rouhani đã hứa sẽ ký một thỏa thuận hạt nhân nhằm tránh các hình thức trừng phạt quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran, làm suy thoái và cô lập đất nước này. Sau khi Hiệp định được ký năm 2015, người Iran đã vui mừng trước cơ hội mới, cơ hội để quốc gia này cuối cùng cũng được trở thành một quốc gia “bình thường”.
Thế rồi chính quyền ông Trump và sự tập trung đặc biệt vào Iran như nguồn gốc chính của các rắc rối ở Trung Đông khiến các nhà lãnh đạo Iran bắt đầu thúc đẩy một phong trào yêu nước và củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền. Gần đây, tên lửa được trưng bày tại các trung tâm thành phố để các gia đình và trẻ em có thể chụp ảnh cùng thứ vũ khí tối tân này.
Đài truyền hình quốc gia xúc tiến một cuộc hành hương hàng năm, với hàng triệu người dân tham gia hành hương tới Iraq, như một biểu tượng của sức mạnh quốc gia và tôn giáo. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thể hiện quan điểm dân tộc chủ nghĩa khi dẫn bài “Iran, nếu họ làm bạn đau khổ”, một bài hát bày tỏ sự tôn vinh Iran, như bài hát yêu thích nhất của mình... Các cuộc thử nghiệm tên lửa cũng làm cho người dân Iran cảm thấy mạnh mẽ và an toàn hơn.