Con số biết nói

GD&TĐ - Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT cho thấy nhiều điều về việc ra đề thi và chuyển biến trong chất lượng dạy - học ở các nhà trường.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Hãy so sánh kết quả kỳ thi năm nay với 2 năm trước đây – khi chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia với các chỉ số: Điểm trung bình, điểm nhiều thí sinh đạt nhất, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Với môn Toán, năm 2022 điểm trung bình của các thí sinh dự thi là 6,47; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,8; có 186.222 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 18,95%). Con số này cũng khá ổn định so với năm 2021, 2020. Cụ thể, năm 2021, điểm trung bình môn Toán là 6,61 (năm 2020 là 6,68). Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất cả 3 năm đều là 7,8. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình năm 2021 chiếm tỷ lệ 17,41% (năm 2020 là 18%).

Điểm thi trung bình môn Ngữ văn năm 2022 là 6,51; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0; có 11,6% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Cũng như môn Toán, điểm thi Ngữ văn trong 3 năm khá ổn định. Năm 2021, điểm trung bình bài thi Ngữ văn là 6,47 (năm 2020 là 6,62). Điểm có nhiều thí sinh đạt nhất trùng nhau ở 3 năm và cùng ở mức 7.

Với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân, phân tích phổ điểm cho thấy kết quả thi khá tương đồng trong suốt 3 năm qua. Riêng môn Sinh học, tỷ lệ học sinh có điểm dưới trung bình của năm 2022 cao hơn so với 2 năm trước.

Môn Tiếng Anh có một số thay đổi sau 3 năm. So với năm 2020, điểm thi Tiếng Anh trong 2 năm 2022, 2021 tốt lên rõ rệt. Cụ thể, mức điểm trung bình môn Tiếng Anh năm 2020 đạt dưới trung bình (4,58 điểm); điểm số thí sinh đạt nhiều nhất là 3,4 điểm và có đến 63,12% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Trong khi đó, năm 2022, điểm trung bình bài thi Tiếng Anh là 5,15; điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 51,56%.

Riêng môn Lịch sử, sự thay đổi của phổ điểm năm nay vô cùng rõ rệt. Lần đầu tiên trong 8 năm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và THPT quốc gia, phổ điểm Lịch sử lệch phải với số lượng điểm trung bình, điểm 10 tăng vọt, số điểm liệt giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022 có 659.667 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6,34; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 19,34%. Trong khi đó, năm 2021 và 2020, điểm Lịch sử có nhiều thí sinh đạt nhất lần lượt là 4,0 và 4,5; tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình cũng rất cao (năm 2021 là 52,03%, năm 2020 là 46,95%).

Tính rộng ra trong 8 năm, điểm trung bình môn Lịch sử dao động khoảng từ 3,79 - 5,19 điểm và thường là môn học có điểm thi thấp nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp THPT. Sự đảo chiều khiến môn Lịch sử thoát khỏi vị trí “đội sổ” và trở thành môn thi có điểm trung bình đứng thứ 7, trên môn Sinh học và Tiếng Anh. Có nhà trường, lần đầu tiên sau nhiều năm đã xuất hiện điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là Kỳ thi THPT quốc gia). Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy đã có sự đổi mới trong việc ra đề thi, đặc biệt là đổi mới dạy và học môn Lịch sử. Nhiều nhà giáo nhận định đang có những thay đổi tích cực trong việc học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức lịch sử; cách giảng dạy của thầy cô cũng chuyển biến theo hướng tốt lên…

Phổ điểm các môn thi, đặc biệt là môn Lịch sử cho thấy nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận của từng học sinh, thầy cô, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục trong chỉ đạo, triển khai dạy học, dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề kéo dài 3 năm.

Các chuyên gia cũng nhận định, phổ điểm năm nay với sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối, sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học. Có thể nói, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã thành công tốt đẹp không phải bằng nhận định định tính mà qua định lượng rất cụ thể, rõ ràng ở kết quả điểm thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ