Con “nhơn nhơn” do nhờn cha mẹ

GD&TĐ - “Không hiểu sao con em nó lỳ lắm, người lớn nói không nghe lời mà cứ nhơn nhơn…”. Đây là lời than phiền khá phổ biến của các bà mẹ có con nhỏ.

Ảnh minh hoạ: IT
Ảnh minh hoạ: IT

Hãy cùng các chuyên gia tìm ra nguyên nhân và biện pháp “điều trị” chứng bệnh nhờn lời của trẻ.

Cần kiên quyết kèm hình phạt

Chị Thanh Thuý (quận Tây Hồ, Hà Nội) kể, vì rất bận với công ty gia đình nên ngày nghỉ có công việc vẫn phải giải quyết, khiến chị dễ gắt gỏng với con cái. Khi con mắc lỗi chị thường hay mắng, doạ nạt, phàn nàn hay lập tức phê bình mà không kiên nhẫn hỏi con nguyên nhân mắc lỗi. Quen dần, Minh Ngọc, con gái lớn của chị (lớp 8) hay phản kháng lại bằng cách không nghe lời còn Anh Quân, cậu con trai thứ hai (lớp 4) thì nhờn mẹ hơn, không sợ mẹ.

Theo Thạc sĩ Tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Công ty Tham vấn và Trị liệu tâm lý Mạnh Linh School psychology), nhiều bậc cha mẹ có cảm xúc không ổn định, đưa ra quá nhiều mệnh lệnh, hay gắt gỏng, lặp lại lời nói nhiều lần, không dứt khoát và không đưa ra hình phạt khiến trẻ nhờn, không nể sợ thậm chí phản kháng lại bằng cách không nghe lời.

Bởi cha mẹ thường xuyên đánh mắng, doạ nạt, phàn nàn về trẻ khiến cảm giác an toàn bên trong con bị phá hủy. Hành vi này của cha mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ không sợ, không nghe lời. Khi trẻ mắc lỗi, nếu cha mẹ lập tức phê bình mà không kiên nhẫn hỏi nguyên nhân, gắt gỏng và chỉ trích một cách bừa bãi, đứa trẻ không những không nhận ra lỗi lầm của mình mà còn nhơn nhơn hơn.

Cũng có nhiều bà mẹ vô cùng lo lắng và mong muốn thay đổi con, mong con thích đọc sách, muốn con thích tiếng Anh, con phải thành thạo các loại đàn, cờ vua, múa vẽ. Nhưng thực tế, trẻ bị mẹ ép buộc thì càng xa cách, đứa trẻ sẽ không nghe lời, thậm chí còn nổi loạn. Có những người mẹ hay ra rả “Mẹ đang làm điều tốt nhất cho con” nhưng ẩn ý câu này là “Con phải nghe lời mẹ”. Như vậy, họ đã không cho con mình quyền lựa chọn.

Nhiều khi mẹ đưa ra cả trăm mệnh lệnh mỗi ngày cho con nên nếu con thường xuyên cư xử sai trái thì khả năng là do chúng đã bị áp đặt quá nhiều. Việc mẹ là hét, bắt con phải làm mọi thứ theo ý mình có thể gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng như bị ức chế tâm lý và phản kháng bằng cách không nghe lời.

Thạc sĩ Tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho rằng: Ngôn từ mẹ sử dụng khi dạy dỗ, nhắc nhở hay trách mắng con thật sự rất quan trọng. Nhiều khi lời nói của mẹ chưa cương quyết như: “Con đi đánh răng bây giờ luôn nhé” hoặc “Con nhặt giúp mẹ mấy món đồ chơi kia đi”, nghe ít trọng lực, ít thẩm quyền hơn. Nhiều đứa trẻ có xu hướng lờ đi lời nói của mẹ hoặc chỉ làm theo khi mẹ nói rát họng. Nguyên nhân của việc này chính là mẹ có thói quen nói đi nói lại nhiều lần, khiến chúng cho rằng không cần thiết phải tập trung nghe mẹ nói ngay lần đầu tiên.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, hình phạt là không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mọi đứa trẻ. Nếu trẻ làm sai mà mẹ chỉ nói xong mặc kệ, không có hình phạt nào thì trẻ sẽ hiểu nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao. Ngay cả khi cảnh cáo suông mà không kèm theo hình phạt thì cũng không có tác dụng. Ngược lại, có một số mẹ chỉ chăm chăm phạt mà không có lời khen hay món quà xứng đáng thì con mất động lực và chúng cũng có xu hướng phớt lờ lời cha mẹ.

Nói sao con nghe lời?

Có một số đứa trẻ sinh ra bản tính đã ương bướng, ngang ngạnh. Nhưng một số thì tính cách dần thay đổi do cách dạy dỗ của cha mẹ chúng. Nhà Tâm lý học người Đức Karl Theodor Jaspers nói rằng, bản chất của giáo dục giống như cái cây làm rung chuyển cây khác. Một đám mây đẩy một đám mây khác. Một linh hồn đánh thức một linh hồn khác. Làm mẹ nên như vậy.

Sau những tham khảo và học hỏi, chị Thanh Thuý (Tây Hồ, Hà Nội) đã tìm ra cách để nói sao con nghe lời, bắt đầu từ chính người mẹ, làm gương cho con. Mẹ không nên ngay lập tức phê bình mà kiên nhẫn hỏi con nguyên nhân, giúp con nhận ra lỗi lầm của mình để con tự sửa. Chị Thuý cũng khuyến khích hai con tự do phát triển theo khả năng, sở thích của mình. Con gái chị không còn thái độ phản kháng với mẹ mà đã thoải mái chia sẻ cùng mẹ. Đôi khi chị còn vờ yếu đuối trước con để nhờ con trai xách đồ, bị ốm nhờ con gái nấu cơm…

Chị Thuỷ Tiên (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, hai cậu con trai song sinh Minh và Nam đang học lớp 4, rất hiếu động nhưng nghe lời mẹ răm rắp. Được như vậy là do chị có “võ” trong việc dạy dỗ, truyền đạt với các con. Thay vì nói với con nhiều lần, mẹ chỉ ra lệnh cho con 1 lần duy nhất. Mỗi khi con lờ đi hay không thực hiện, chị sẽ đưa ra hình phạt thích hợp để con chừa, có thể lấy đi một số đặc quyền dựa trên sở thích của con để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, chị cũng cho con đi chơi, mua tặng con một bộ lego con thích mỗi khi con tự giác làm các việc giúp gia đình.

Theo Thạc sĩ Phạm Như Ngọc, giảng viên về giao tiếp, Trường Cao đẳng Đường sắt, muốn con nghe lời, các mẹ chỉ nên đưa ra các mệnh lệnh, hướng dẫn cho con những vấn đề, khía cạnh quan trọng. Còn những vấn đề đơn giản, mẹ hãy để con tự đưa ra quyết định. Khi đưa ra một mệnh lệnh với con, mẹ hãy sử dụng giọng nói rõ ràng, đanh thép, cùng với từ ngữ cứng rắn, cương quyết. Mẹ hãy đưa mệnh lệnh cho con một cách mạnh mẽ thay vì dùng giọng điệu mềm mỏng. Giọng điệu cứng rắn sẽ khiến con nghe lời và răm rắp làm theo yêu cầu của mẹ.

“Cha mẹ hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói KHÔNG với con. Nếu việc không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến ai thì cha mẹ hãy cứ để con làm hoặc đưa ra cảnh báo để con suy nghĩ xem có nên làm không. Khi cha mẹ đã nói “Không” thì con sẽ thực sự làm theo điều yêu cầu vì con cần hiểu là cha mẹ rất nghiêm túc với yêu cầu đó, “Không là không!”. “Đưa cho con sự lựa chọn sẽ làm con cảm thấy không bị ép buộc phải làm theo những gì cha mẹ muốn, dần dần con sẽ tự chủ động đưa ra lời đề nghị với người lớn. Đây cũng là tiền đề cho kỹ năng thuyết phục mà trẻ cần sử dụng khi trưởng thành. Trẻ nhỏ nhiều khi không thực sự muốn chống đối bố mẹ mà chỉ là con chưa đủ khả năng hiểu những gì bố mẹ nói hoặc vẫn chưa được làm theo những gì mình muốn mà thôi”, Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ