Con người đã đạt đến giới hạn của tuổi thọ?

GD&TĐ - Giáo sư Jan Vijg, một nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Y Albert Einstein (Mỹ), nhận định: “Số người sống trên 105 tuổi tăng rất chậm trong vài năm gần đây khiến chúng ta phải nghĩ đến “giới hạn không thể vượt qua”. 

Bà Jeanne Calment.
Bà Jeanne Calment.

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người có thể phải chấp nhận mức trần tuổi thọ: 115. Phải có gấp 10.000 lần dân số trên Trái đất hiện nay mới có thể tìm được… một người sống đến 125 tuổi.

Đã đạt trần tuổi thọ?

Khi con người ngăn chặn được tử vong vì một căn bệnh này, một căn bệnh mới hay đột biến khác sẽ… nhảy vào thay thế. Cuộc đuổi bắt giữa con người và bệnh tật gần như vô tận. Ví dụ, khi tỷ lệ tử vong vì bệnh tim, đột qụy và ung thư giảm đáng kể, tỷ lệ chết vì mất trí nhớ bắt đầu tăng.

Khi cộng đồng y tế tìm cách làm chậm tử vong vì một căn bệnh thay vì chữa nó, tuổi thọ cũng không thể tăng thêm. Sau nhiều năm tuổi thọ liên tục tăng ấn tượng, chúng ta đã chạm “trần tuổi thọ”.

Thực tế, loài người đang ở giới hạn trên (upper limit) của tuổi thọ. Người sống lâu nhất được ghi nhận là một phụ nữ Pháp, bà Jeanne Calment, thọ 122 tuổi (năm 1997). Bà ra đời khi tháp Eiffel chưa được xây dựng và từng gặp danh họa Vincent van Gogh. Từ đó, chưa thấy ai (căn cứ vào hồ sơ cá nhân) sống lâu hơn bà.

Một nghiên cứu vừa xuất bản trên tập san Nature đã mạnh dạn đưa ra giới hạn tuổi thọ là 115! Các nhà khoa học ở New York đã phân tích dữ liệu lưu trữ trong nhiều thập niên của Cơ quan Human Mortality Database và những người sống lâu từ 110 tuổi trở lên ở Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản.

2015 là năm xấu đặc biệt đối với tuổi thọ của con người khi mùa đông tệ nhất trong nhiều năm liền đã dẫn đến sự lây lan của một số chủng loại cúm mới nguy hiểm ở Bắc Mỹ và nhiều nước châu Âu. Một số chuyên viên y tế hy vọng đây chỉ là “bước lùi ngắn hạn” cho tuổi thọ con người, nhưng những gì đang diễn ra chứng minh có thể họ đã sai.

Nhìn vào những đợt dịch lớn trên các loài thú hay dịch bệnh trên con người thì thấy đã bắt đầu xuất hiện một “lực cản” nào đó đẩy lùi giấc mộng sống lâu của loài người. Những số liệu mới nhất do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) trong giai đoạn từ 2016 - 2018 (theo chu kỳ 3 năm) cho thấy, đây là chu kỳ đầu tiên không chịu một mùa đông gây hại cho sức khỏe con người.

Dù đã có một số cải thiện trong chu kỳ này so với chu kỳ trước đó vẫn phải mất… 12 năm nữa người dân Anh mới có thể tăng thêm một năm tuổi thọ! Vậy, các nguyên nhân nào khiến đà tăng tuổi thọ con người bị kéo chậm lại?

Nhìn lại quá trình cải thiện tuổi thọ

Trong 2 thế kỷ qua, tuổi thọ của con người đã được cải thiện khá nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn chưa có “phép lạ” nào nâng cao được tuổi thọ con người ngay từ khi chưa ra đời.

Sống lâu hay chết sớm là do tác động của các yếu tố khác, kể cả di truyền và cơ địa. Nói rõ hơn, chúng ta không được “mặc định” sẽ sống lâu hơn ngay từ trong thai mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan và khách quan.

Tuổi thọ trung bình thường tuỳ thuộc vào chủng tộc, môi trường, lối sống và khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa bệnh.

Vào thập niên 1840, bình quân con người không thể sống quá tuổi 40. Nhưng đến thập niên 1900, tuổi thọ bình quân của con người đã tăng lên 60 nhờ vào chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, nhà ở được cải thiện.

Tuổi thọ tăng nhanh còn nhờ sự có mặt của vắc xin, sinh con an toàn hơn và đẩy lùi đáng kể sức công phá của bệnh tim mạch và một số loại ung thư.

Bước sang thế kỷ 20, ngoại trừ những năm tháng chiến tranh, tuổi thọ con người tăng thêm nhờ phổ biến trên diện rộng hệ thống chăm sóc y tế hiện đại và chủng ngừa sớm cho trẻ em chống lại những dịch bệnh thông thường.

Từ thập niên 1970, khi chúng ta đạt được những tiến bộ mới, phát hiện ra những yếu tố nguy cơ để loại trừ hay giảm nhẹ bệnh tim mạch và đột qụy, tuổi thọ con người tiếp tục được cải thiện đáng kể.

Y khoa hiện đại tiếp tục ghi nhận những kỳ tích khi bước sang thế kỷ 21, kỳ vọng tuổi trọ trung bình của con người có thể đạt đến 80 cho nữ và 75 cho nam. Nếu nhịp độ này được tiếp tục, mỗi người có thể sống thêm hơn 4 năm nữa.

Tuy nhiên, thực tế lại khác. Bất chấp mọi tiến bộ của y học, tốc độ tăng tuổi thọ đã chậm hẳn lại từ năm 2011 và một câu hỏi bắt đầu được đặt ra: “Tại sao chúng ta không thể tiếp tục tăng tuổi thọ theo các cách làm cũ? Muốn tăng thì phải tấn công vào những yếu tố mới nào?”.

 

Vẫn còn những ý kiến khác nhau

Tuy nhiên, tuổi “giới hạn 115” tiếp tục nhận được những luồng ý kiến khác nhau của giới khoa học, đồng tình và phản bác. Giáo sư James Vaupel, Giám đốc Viện Nghiên cứu dân số Max Planck, thuộc số người không đồng tình với mốc 115 tuổi.

Ông nói: “Trong quá khứ, chúng ta từng nói đến giới hạn 65, 85, 105 tuổi nhưng chưa bao giờ đúng. Ngoài ra, báo cáo mới không đưa ra cơ sở khoa học xác đáng cho giới hạn 115”.

Giáo sư Jay Olshansky, thuộc Viện Đại học Illinois thì cho rằng: “Các nhà nghiên cứu New York đã dựa vào giới hạn tuổi thọ của chuột để gán ghép cho con người. Chuột sống được khoảng 1.000 ngày, chó sống khoảng 5.000 ngày nên con người cũng phải có giới hạn tự nhiên không thể vượt qua! Suy diễn như thế là vô lý!”.

Nhà di truyền học Mỹ David Sinclair, tác giả của cuốn sách Lifespan về tuổi thọ con người khẳng định: “Nếu có thể phát hiện và cải tiến được các yếu tố di truyền liên quan đến sống lâu, tuổi thọ con người có thể vượt xa giới hạn 115 tuổi”.

Tại Nhật Bản, đất nước nổi danh với nhiều người sống lâu, những năm gần đây, số người sống lâu cũng tăng hơn so với nhiều nước. Thực tế cho thấy trong số những quốc gia giàu có được ONS nghiên cứu, chỉ có Mỹ là thua Anh về số người sống lâu.

Chuyên viên về tuổi thọ của ONS, Tiến sĩ Edward Morgan cho biết, có một loạt yếu tố phức tạp làm trì trệ đà tăng tuổi thọ và ông muốn mở cuộc điều tra kỹ lưỡng trước khi đi đến kết luận thỏa đáng. Cơ quan Y tế Anh (Public Health England - PHE) đã đưa ra một số yếu tố trong bản báo cáo mới và nhấn mạnh “không có nhiều cải tiến lớn về chăm sóc y tế và thuốc men trong hai thập niên qua”.

Báo cáo của PHE cũng đề cập đến “cuộc sống thiếu thốn”, điều mà cựu cố vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Giáo sư Michael Marmot đã từng xem là “có vai trò quan trọng trong việc làm giảm tuổi thọ”.

Bằng chứng tại nhiều quốc gia cho thấy, thành phần dân số nghèo có tốc độ tăng tuổi thọ rất chậm do không có tiền để chăm sóc sức khỏe đúng mức và kịp thời. Ngăn ngừa bệnh tật là ý tưởng “xa xỉ” đối với nhiều người nghèo. Họ rất căng thẳng về chi tiêu cho sức khỏe, trong khi sự giúp đỡ của chính phủ và các tổ chức thiện nguyện tại các nước nghèo.

Tuy nhiên, các chuyên viên y tế đều đồng ý là con người có thể kéo dài thêm tuổi thọ nếu cải thiện được các yếu tố liên quan như di truyền, ăn uống, môi trường, điều trị các bệnh nan y, mạn tính, và tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế hiện đại.

Giáo sư Dame Linda Partridge, Giám đốc Viện Nghiên cứu tuổi già UCL nhận định: “Giới hạn tuổi thọ là có thật và có lẽ chúng ta phải tập chấp nhận nó”. Giáo sư Jan Vijg nhấn mạnh: “Nếu muốn sống đến 130 tuổi hay hơn, chúng ta phải tạo ra một thay đổi mang tính bước ngoặt ở mức tế bào và cấu tạo di truyền cùng với việc ra đời của hàng nghìn loại thuốc mới.

Nhưng lão hoá là một tiến trình phức tạp mà khoa học chưa hiểu hết nên việc phá vỡ giới hạn tuổi thọ là điều cực kỳ khó”. 

Theo The New York Times 11/2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.