“Con ma” dưới hoạt động khai thác cát

GD&TĐ - Bao dòng sông quặn đau, nhiều diện tích bờ bãi bị sạt lở, làm xáo trộn đời sống, sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Có một “con ma” núp dưới hoạt động khai thác cát. Điều đó khiến các cơ quan chức năng không thể ngồi yên được nữa. Hãy cứu lấy các dòng sông, bờ bãi, trả lại môi trường tự nhiên cho các khu vực dân khu vốn trù phú, bình yên.

Những cỗ máy tận thu cát trên sông Lô. Ảnh: Việt Hoàng
Những cỗ máy tận thu cát trên sông Lô. Ảnh: Việt Hoàng

Nỗi đau từ những chiếc vòi rồng

Cả nước đã bắt đầu vào mùa mưa bão. Đi dọc các tuyến sông Lô (Vĩnh Phúc), sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, sông Lam (Nghệ An)… chứng kiến cảnh bờ bãi bị sạt lở, lòng tôi nghẹn lại. Dẫn tôi ra khu vực sạt lở, bà Trần Thị Thắm, Trưởng thôn Nam Tiến, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên) lọc cọc đạp xe đạp đến mép sông Hồng. Chỉ tay xuống khu vực sạt lở cách cầu Yên Lệnh không xa, bà Thắm thảng thốt: “Người ta dùng máy bơm vòi công suất lớn bơm hút cát từ dưới lên. Họ sử dụng những chiếc vòi lớn, như vòi rồng vậy. Nếu không có cách ngăn chặn triệt để, thì không chỉ hơn 10 héc-ta hoa màu trôi sông đâu, mà sẽ lở dần, lở dần”.

Một số hộ dân đang làm đồng thấy chúng tôi cũng chạy ra thăm dò. Ánh mắt của người nông dân chợt đánh sang phía bà trưởng thôn. Mắt bà Thắm ầng ậc nước khi nhớ về những thửa ruộng trồng hoa màu, một số loại hoa quả xanh tốt trước đây, chia sẻ, Nam Tiến có 1.568 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp.

Rồi bà khóc thành tiếng: “Có người ra ngăn cản, trông đất của mình còn bị xã hội đen dọa đánh và phá hoa màu. Sao bọn chúng ác ôn thế?!”. Trong những ngày địa phương diễn ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự vì nạn “cát tặc”, đám thanh niên lạ mặt vào đầu thôn mắc võng nằm, theo dõi động thái của người dân và cơ quan chức năng. Chính bà đã động viên nhân dân đoàn kết, kiến nghị, tìm cách đẩy đuổi các đối tượng này.

Men theo những con đường liên xã, liên thôn lắt léo, tôi tìm về Hà Châu (xã Hoàng Hanh) - một thôn nhỏ nằm sát mép sông Hồng. Vùng quê đang mùa gặt, ông Đoàn Văn Thập, Phó Trưởng thôn Hà Châu tạm gác công việc, dẫn tôi đi thực địa vùng sạt lở. Vạch những thân ngô đang kỳ đóng hạt, chỉ tay vào vết nứt trên mặt bằng ruộng, khi đất ở mép sông cứ bị hạ thấp dần với vẻ tiếc nuối, ông bảo: Đất của bà con thôn Hà Châu không phải bãi bồi, mà là “bờ xôi ruộng mật” được Nhà nước chia cho để canh tác. Nhưng những chiếc vòi hút to như cơ thể người xục xạo, làm sao bờ bãi không tụt xuống nước. Không còn đất canh tác thì không biết 700 khẩu của thôn sẽ sống thế nào?

Hậu quả lớn hơn thế mà các cơ quan chức năng ở Hưng Yên đã biết, đó là việc người dân phải… chạy lở. Ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hợp (Kim Động) chia sẻ câu chuyện, từ năm 1987 - 2003, sông Hồng thay đổi dòng chảy đã cuốn mất ba làng, buộc người dân phải tiến vào sát chân đê mua đất ở tạm. Đến năm 2005, cơ quan chức năng xây dựng hệ thống kè nên khu vực này mới không bị lở nữa. Song, tai họa vẫn chưa buông tha, mấy năm nay doanh nghiệp (được cấp phép) tại xã Mộc Bắc, thuộc địa phận huyện Duy Tiên (Hà Nam) ở bờ bên kia khai thác cát; Công ty Thành Phát Hưng Yên (được cấp phép khai thác đất cát làm gạch) khiến đất đai thôn Phú Mỹ đã sạt lở rất nặng vào mùa mưa 2017. Với hành vi khai thác vượt mức trong giấy phép, Công ty Thành Phát Hưng Yên đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hưng Yên phạt số tiền 30 triệu đồng.

Bắt nhóm “cát tặc” hút cát trái phép trên sông Đáy (Ảnh do PX15 Công an Hà Nam cung cấp)

Bắt nhóm “cát tặc” hút cát trái phép trên sông Đáy (Ảnh do PX15 Công an Hà Nam cung cấp)

Chỉ mong an yên để làm ăn

Một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thay đổi dòng chảy, nước lấn bờ là xã Thanh Khai (Thanh Chương) có 25 héc-ta đất bờ xôi ruộng mật. Đến nay toàn xã chỉ còn khoảng 16 héc-ta. Theo chân người dân xã Thanh Khai ra bãi bồi ven sông Lam, chúng tôi không khỏi giật mình khi đất dưới chân đang bị nứt từng tảng. Chốc chốc lại nghe tiếng đổ ầm của đất, ngoảnh lại chỉ thấy sủi tăm bọt nước. Sông đã ngoạm sâu vào bãi ngô xanh tốt của xã, không ai còn dám đi sát bờ.

Ông Văn Đình Khoa (xóm Chùa) cho hay: “Bên lở, bên bồi, đó là quy luật của tự nhiên. Nhưng rõ ràng, việc bờ sông đang ngày càng lấn sâu vào đất sản xuất có sự tác động không nhỏ của hoạt động khai thác cát sỏi thổ phỉ diễn ra trong thời gian dài. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng phải chấm dứt tình trạng này nhưng không ăn thua. Nếu cứ chĩa thẳng vòi rồng hút cát vào khu vực gần bờ thì sạt lở là điều đương nhiên”.

Nói về mức độ nguy hiểm, TS Hồ Việt Cường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết: “Việc khai thác cát trên sông thường gây ra các biến động lớn về hình dạng, độ dốc của lòng dẫn, làm thay đổi hàm lượng bùn cát, nguy cơ phá vỡ trạng thái cân bằng tương đối giữa lòng dẫn và dòng chảy”.

Đồng quan điểm ấy, GS, TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết thêm việc khai thác cát tràn lan làm vỡ đệm cát ở đáy sông, làm đáy sông tụt xuống, điển hình như ở hạ lưu sông Hồng đã bị hạ thấp 2 m. Hơn thế, theo quy định, đơn vị sau khi hết hạn khai thác phải phục hồi môi trường, nhưng việc này cũng bị buông lỏng. Điều đáng lo lắng nữa là hầu hết các tỉnh có hoạt động khai thác cát đều chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường.

Cách đây một năm chúng tôi đã thực tế, tìm hiểu nạn khai thác cát trái phép địa bàn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Sau một năm trở lại, tình hình vẫn chẳng mấy thay đổi. Chuyện mật phục bắt tàu lớn khai thác cát - người dân quen gọi là “vàng đỏ” - vẫn diễn ra thường ngày ở nhiều thôn xóm dọc sông Lô. Có địa phương, người dân thức đêm, dựng lán, cử người canh tàu. Tàu đến thì đuổi, nhưng sức người dân có hạn, họ chẳng đủ căng mình thi gan với những cỗ máy vô cảm. Một điều nữa, do không có đèn pin công suất lớn, thiếu phương tiện, các đối tượng lợi dụng, tha hồ nổ máy tàu cuốc, vừa dùng gầu múc, vừa dòng vòi hút cát.

Mệt mỏi trước sự manh động của các đối tượng, ông Hoàng Công Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú (Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, “cát tặc” bất chấp sự đẩy đuổi của người dân, chính quyền. Bọn họ không chỉ hút ở giữa sông, mà thục vòi hút vào sát bờ, dân ra đuổi họ lại đưa tàu ra giữa sông rồi sang mép bên kia. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép thì cơ quan chức năng cũng không kiểm soát được trữ lượng, diện tích mà họ được quyền khai thác.

Đi dọc tuyến sông Hồng, lãnh đạo Phòng PC49 (Công an tỉnh Hưng Yên), cho biết, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 6/2018, đơn vị đã phát hiện 27 vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác cát, bắt giữ 27 tàu vi phạm, phạt tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Trung tá Phạm Chí Thành, Phó Trưởng phòng PC49 chia sẻ, chống khai thác cát trái phép là cuộc chiến không khoan nhượng. Nhiều doanh nghiệp khi bị bắt có khai là do trên mặt nước khó phân định mốc giới, nhưng đã vượt ra ngoài vùng được cấp phép là vi phạm, cần bị xử lý mạnh tay.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Xuân Hiếu, Trưởng phòng cảnh sát đường thủy (PC68), Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 2/8/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, quản lý các hoạt động liên quan đến khai thác, kinh doanh cát sỏi.

Tuy nhiên qua kiểm tra còn có doanh nghiệp được cấp phép vi phạm quy định như Công ty Hà Thành, Công ty Việt Linh… Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các bến bãi, nhất là các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường sông của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Việc xử lý, giải tỏa các bến bãi chứa chấp vật liệu xây dựng trái phép theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên chưa được thực hiện nghiêm túc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...