Đó là tình cảnh khó tin đang diễn ra trên sông Bồ thuộc địa phận thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế)…
Thấp thỏm bên bờ sông lở
Ngay giữa lòng sông Bồ, hàng chục chiếc đò máy đang sục những chiếc vòi cắm sâu vào lòng sông hút cát. Hành động ngang nhiên của các đối tượng từ lâu đã gây bức xúc trong nhân dân. Thế nhưng, nạn khai thác cát trái phép bừa bãi đục khoét dòng sông Bồ khiến con sông vốn hiền hoà thơ mộng đang ngày một thay đổi dòng chảy, trở nên hung dữ và khó lường hơn nhất là trong mùa bão lũ. Hàng chục hộ dân sống dọc hai bên bờ sông hết sức hoang mang trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhất là ở phía mé thôn Hiền Sĩ.
Ông Trần Công Theo, một người thôn Hiền Sĩ, đưa chúng tôi đến khu vực bị sạt lở mà người dân nơi đây cho là do tình trạng khai thác cát trái phép gây nên. Ông Theo kể: “Thôn Hiền Sĩ trước đây là một dãy bến sông rất đẹp và thơ mộng, hằng ngày có nhiều người đến tắm rửa và giặt giũ quần áo sau một ngày lao động mệt nhọc. Tháng 11/2009, do trận lũ lịch sử đã làm sạt lở gần hàng trăm mét và ăn sâu vào đất liền từ 5 - 10 mét.
Để giúp người dân nơi này ổn định cuộc sống, huyện Phong Điền đã xây kè dọc bờ sông Bồ để chống sạt lở. Bờ kè hoàn thành và đưa vào sử dụng trước sự vui mừng của người dân trong vùng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, thì bọn “cát tặc” đã xuất hiện và hoành hành. Hiện nay, mỗi ngày tại khu vực này có hàng chục tàu thuyền kéo về khai thác cát trái phép”.
Cùng tâm trạng như ông Theo, ông Hoàng Ngọc Việt, Trần Công Thọ, Hoàng Anh… (những hộ dân sống gần khu vực sạt lở) cũng rất bức xúc trước tình trạng này. Nạn “cát tặc” chẳng những làm sạt lở nghiêm trọng mà còn làm cho người dân sống gần bờ sông luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang vì nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Ngay sau khi phát hiện nạn “cát tặc” nêu trên, người dân đã nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng đều không được xem xét, giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, tình trạng khai thác cát trái phép ở đây ngày càng nghiêm trọng, “cát tặc” hoành hành công khai, đưa tàu thuyền vào khai thác sát bờ, chỉ cách bờ sông khoảng 30 mét và thò những “vòi rồng” xuống để ngang nhiên hút cát.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay đất ở dọc bờ sông Bồ thuộc địa bàn thôn Hiền Sĩ đã bị sạt lở nghiêm trọng, toàn thôn đã có hàng nghìn m² đất bị “hà bá” cuốn đi. Việc sạt lở đất này vẫn đang tiềm ẩn mối đe dọa mất cả nhà cửa và tính mạng của những người dân nơi đây.
Cần phối hợp đồng bộ và xử lý kiên quyết
Nạn khai thác cát trái phép trên sông Bồ thuộc địa phận thôn Hiền Sĩ vẫn cứ ngang nhiên hoạt động. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân khu vực này xua đuổi nhiều lần nhưng nạn “cát tặc” vẫn không giảm.
Có một thực tế là, cứ khi nào các cơ quan chức năng huyện Phong Điền đi kiểm tra thì các tàu thuyền khai thác cát trái phép lại dạt sang phía bờ sông thuộc địa phận phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) để lẩn tránh. Khi các cơ quan chức năng rút đi thì tình trạng khai thác cát lại tái diễn.
Do địa hình sông nước lại giáp ranh với 2 huyện cho nên các đối tượng khai thác cát thường xuyên di động trên sông không theo thời gian và địa điểm nhất định. Hơn nữa, lực lượng cán bộ quản lý về vấn đề này ở địa phương còn thiếu; chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Mắt thấy tai những câu chuyện ở thôn Hiền Sĩ, chúng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở. Liệu với cách giải quyết như hiện nay của người dân, nạn khai thác cát trái phép như thế này có được xử lý triệt để? Và trong tương lai, sẽ còn bao nhiêu diện tích đất màu mỡ của người dân tiếp tục bị trôi theo dòng nước lũ mỗi khi mùa bão lũ về?
Việc khai thác cát trái phép trên sông Bồ nói chung và đoạn qua địa bàn xã Phong Sơn (Phong Điền) và phường Hương Vân (Hương Trà) nói riêng đã và đang đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây là do sạt lở. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, chính quyền địa phương của huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà cần có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, rà soát các tàu thuyền khai thác cát trên sông Bồ, phân loại và đề xuất hướng xử lý.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương và người dân sống dọc sông Bồ về công tác bảo vệ dòng sông, hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan việc hút cát trái phép trên sông Bồ. Giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng “cát tặc” chính là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát đường thủy.
Tránh trường hợp việc khai thác cát trái phép diễn ra công khai, kéo dài nhưng chậm xử lý, đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có những giải pháp đồng bộ, ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép để người dân địa phương yên tâm sản xuất và ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung”. Có như vậy, người dân nơi đây mới yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.