'Cơn lốc đỏ' Thể Công - Viettel thời 4.0

GD&TĐ - Thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (1954 - 2024), cái tên Thể Công chính thức trở lại với bóng đá Việt Nam.

Ngoại binh của Viettel trước khi đổi tên trong trận gặp Hà Tĩnh ngày 4/11 (vòng 3 V-League 2023 - 2024). Ảnh: VPF.
Ngoại binh của Viettel trước khi đổi tên trong trận gặp Hà Tĩnh ngày 4/11 (vòng 3 V-League 2023 - 2024). Ảnh: VPF.

Quyết định của Bộ Quốc phòng được đón nhận nồng nhiệt từ người hâm mộ và các thế hệ cầu thủ từng khoác áo câu lạc bộ được mệnh danh “cơn lốc đỏ”, hay “đội bóng mặc áo lính”.

Nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Ngày 21/11 vừa qua tiếp tục trở thành mốc lịch sử của bóng đá Quân đội khi câu lạc bộ Viettel chính thức mang tên Thể Công - Viettel, và được Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam “đặc cách” chấp nhận vào thời điểm mùa giải 2023 - 2024 đã diễn ra 3 vòng đấu.

Việc Viettel gắn thêm Thể Công đã được lãnh đạo đội bóng này nung nấu và đề xuất từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này, cái tên đã đi vào huyền thoại đồng thời nằm trong trái tim của nhiều người Việt Nam một lần nữa mới được hồi sinh.

Ngày 23/9/1954, thể theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội được thành lập. Thể Công là viết tắt của cụm từ “Thể dục thể thao công tác đội”. Có 23 thành viên là cán bộ chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân, nhưng lại chia làm 3 đội bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền, trong đó bóng đá có 11 người. Thể Công cũng là đội bóng giàu thành tích nhất bóng đá Việt Nam, 13 chức vô địch giải hạng A miền Bắc; 5 lần vô địch giải Al toàn quốc (giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp ngày nay) cùng nhiều giải thưởng khác.

Thể Công là biểu tượng không chỉ của bóng đá - thể thao quân đội, mà lịch sử, truyền thống của “đội bóng mặc áo lính” còn là tình yêu, vinh dự của hàng triệu khán giả Việt Nam, qua nhiều thế hệ trải dài theo không gian lịch sử từ những ngày đầu thành lập cho đến tận hôm nay.

Đặc biệt, ra đời và phát triển vào thời điểm lịch sử của đất nước, Thể Công còn mang trọng trách tăng thêm tính đoàn kết dân tộc và đồng thời trở thành biểu trưng cho niềm tự hào của Việt Nam khi ra đấu trường quốc tế.

Đội bóng Quân đội đã tạo dựng tên tuổi trong cuộc đọ sức với những đội bóng thuộc khối XHCN. Đơn cử như thắng lợi 4-1 trước đội Bát Nhất (Trung Quốc) trước sự chứng kiến của 100 nghìn người xem tại Bắc Kinh, hay chiến thắng đội tuyển Cuba với tỷ số 3-2…

Thể Công nổi tiếng với nhiều thế hệ cầu thủ tài năng như Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải…; Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền...

Những thế hệ cầu thủ tài năng này đã làm rạng danh đội bóng Quân đội, gieo vào lòng người yêu bóng đá Việt Nam một tình yêu sâu nặng với Thể Công.

Sau những giai đoạn thăng trầm, thậm chí cái tên Thể Công từng “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, thì đến thời điểm 70 năm thành lập Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội, Thể Công được tái xuất. Theo ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Thể Công là câu lạc bộ lâu đời và giàu thành tích nhất của bóng đá Việt Nam. Đây là binh chủng đặc biệt của Bộ Quốc phòng, cũng là đội bóng của nhân dân. Câu lạc bộ bóng đá Viettel luôn xác định mình chính là hậu duệ của Thể Công, những người lính trên mặt trận bóng đá với lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công bất diệt.

Ngoài ra, người đứng đầu Tập đoàn Viettel xác định rõ quan điểm, đội bóng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Vậy nên, các thành viên đội bóng xác định sẽ trở thành một phần của trang sử Thể Công. Do đó, cần giữ gìn bản sắc người lính đá bóng, xây dựng câu lạc bộ Thể Công - Viettel với sứ mệnh chinh phục trái tim người hâm mộ, góp phần làm dày lên lịch sử thành tích của thể thao Quân đội và là đội quân tiên phong đóng góp cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Cuộc gặp gỡ của nhiều thế hệ cầu thủ trong buổi lễ công bố quyết định đổi tên Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel. Ảnh: INT.

Cuộc gặp gỡ của nhiều thế hệ cầu thủ trong buổi lễ công bố quyết định đổi tên Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel. Ảnh: INT.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là Thể Công - Viettel phải phát huy hiệu quả hơn nữa lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công, luôn đặt mục tiêu giành vị trí số 1 trong tất cả các giải đấu mà đội bóng tham dự.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo trẻ cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư đúng hướng, có lứa lớp kế cận để đảm bảo chiều sâu đội hình và sức mạnh nội tại.

Đặc biệt, Trung tâm Thể thao Viettel cần có sự thay đổi, bảo đảm thích ứng với giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam, trong đó hoạt động kinh doanh sẽ được đẩy mạnh. Đây chính là con đường chuyên nghiệp để nâng tầm đội bóng Thể Công - Viettel.

Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ, đón nhận quyết định đổi tên câu lạc bộ đồng thời là tiếp nhận một hành trình mới đầy vinh dự và tự hào. Đó như một nguồn năng lượng mới cho đội bóng Thể Công - Viettel, là năng lượng của sức mạnh truyền thống. Và ông Thắng không quên nhắc lại quá khứ với những thời điểm phiên hiệu Thể Công không xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Nhưng Thể Công luôn trong trái tim người hâm mộ đó là một giá trị hiện hữu. Tinh thần Thể Công, khúc ca Thể Công vẫn ngân mãi trên các khán đài với “Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công”. Khúc tráng ca ấy là trường tồn.

Tại Lễ công bố quyết định đổi tên Câu lạc bộ bóng đá Viettel thành Thể Công – Viettel, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu cũng là giao nhiệm vụ cho đội bóng: “Câu lạc bộ Thể Công - Viettel tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần không ngại gian khó mà lớp lớp các thế hệ câu lạc bộ Thể Công đã dày công vun đắp nhiều năm qua. Xây dựng mạnh mẽ hơn nữa lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công, phải luôn ra sân với tinh thần ‘Quyết chiến, Quyết thắng’, ‘thắng không kiêu, bại không nản’, góp phần đưa thương hiệu Thể Công - Viettel lên một tầm cao mới”.

Lễ công bố quyết định đổi tên CLB bóng đá Viettel thành CLB bóng đá Thể Công - Viettel được tổ chức chiều 21/11 tại Hà Nội. Ảnh: INT.
Lễ công bố quyết định đổi tên CLB bóng đá Viettel thành CLB bóng đá Thể Công - Viettel được tổ chức chiều 21/11 tại Hà Nội. Ảnh: INT.

Bắt đầu hành trình đi tìm bản sắc

Mục tiêu của Thể Công - Viettel ở mùa giải 2023 - 2024 là cạnh tranh ngôi vô địch V-League và giành quyền vào chung kết Cúp Quốc gia. Những cái đích cụ thể này được cho là phù hợp với con người, năng lực của đội bóng Quân đội.

Tuy nhiên, để đạt đến “lối đá cuốn hút, hấp dẫn người xem và thể hiện bản sắc, tinh thần người lính” như Thể Công trong quá khứ lại là câu chuyện khác. Bởi câu lạc bộ Viettel dù gắn thêm cái tên huyền thoại thì đội Thể Công – Viettel không thể nằm ngoài dòng chảy bóng đá chuyên nghiệp. Đó là sự xuất hiện của ngoại binh và những cầu thủ không mặc áo lính, những hợp đồng chuyển nhượng đắt tiền.

Thế nào là “chất lính” ở Thể Công - Viettel? Bài toán không dễ có lời giải cho huấn luyện viên Thạch Bảo Khanh và lãnh đạo đội bóng doanh nghiệp Quân đội này.

Cái tên huyền thoại Thể Công trở lại, vậy đội Thể Công - Viettel bây giờ có gì khác đội Viettel 10 năm qua cũng là câu hỏi mà nhiều cựu danh thủ đội bóng này đặt ra sau thời khắc lịch sử.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế, người có nhiều năm khoác áo Thể Công nêu lên tâm tư vì sao vẫn gắn chữ Viettel vào Thể Công!? Nhiều khán giả cho rằng, hãy để đội bóng chỉ mang tên nguyên vẹn Thể Công mới xứng đáng gọi là sự trở lại.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cơ bản vẫn là chất lượng cầu thủ, lối chơi và sự đầu tư có hệ thống, chiều sâu cho công tác đào tạo trẻ chứ không chỉ là cái tên. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, hãy chờ xem.

Trên trang cá nhân, giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn nêu quan điểm xung quanh sự kiện “Thể Công trở lại”. “Hơi tiếc một chút vì một vài cái hoan hô ‘Thể Công trở lại’. Xin thưa, đấy đâu phải Thể Công ạ! Thể Công phải là những Sỹ Hiển, Trọng Giáp, Ba Đẻn (Thế Anh, P.V), Mạnh Hải, Cao Cường, Trần Văn Khánh… và những danh thủ khác đều là bộ đội đá bóng hay và làm nên danh hiệu đội bóng, lấy được cảm tình của người hâm mộ vì sự oanh liệt của bộ đội đá bóng. Còn bây giờ, doanh nghiệp làm bóng đá, cầu thủ thì nay đến mai đi (theo giá lót tay…), các màu da đủ cả và không biết hát Quốc ca, không biết ‘điều lệnh’ là gì… Thể Công cái gì chứ???”, ông Tấn chia sẻ.

Thể Công là đội bóng có đội ngũ cổ động viên đông đảo nhất Việt Nam, đặc biệt là còn đó những thế hệ cầu thủ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, khát vọng cho “đội bóng mặc áo lính”.

Sự kỳ vọng và những đòi hỏi khắt khe, thậm chí cả vấn đề có thể không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay của những cựu cầu thủ lão thành cũng là điều dễ hiểu. Với họ, Thể Công vốn là tình yêu, máu thịt và là cái tên quá đỗi thiêng liêng và nhiều cựu danh thủ đội bóng tượng đài này có lý khi cho rằng, cái tên Thể Công cần đứng độc lập và bất biến. Thế nên, Thể Công oai hùng năm xưa trở lại nhưng vẫn mang tên ghép đã khiến nhiều người Thể Công năm xưa không thật sự thoải mái.

Trên thế giới, những đội bóng lâu đời như Man Utd, Man City, Liverpool, hay Arsenal (Anh); Juventus, AC Milan, Inter Milan (Italy); Real Madrid, Barcelona (Tây Ban Nha)… dù có đổi chủ cũng chưa bao giờ đổi tên, hoặc gắn tên với bất kỳ nhà tài trợ, hay doanh nghiệp nào đứng sau.

Ngay cả khi những đội bóng này bị thôn tính bởi các ông chủ nước ngoài, thì cái tên vốn được coi là niềm tự hào, truyền thống lâu đời là thứ bất khả xâm phạm. Các ông chủ nước ngoài chỉ có thể đổi tên sân đấu, bán sân tập cho nhà tài trợ hay ký hợp đồng quảng cáo trên trang phục thi đấu.

Mặc dù vậy, đây không phải lần đầu “Cơn lốc đỏ” mang tên Thể Công - Viettel. Năm 2004, đúng vào thời điểm kỷ niệm tròn 50 năm thành lập, Thể Công phải xuống hạng Nhất.

Từ mùa giải năm sau, câu lạc bộ đổi tên thành Thể Công Viettel và chịu sự quản lý một phần của Tổng Công ty Điện tử Viễn thông Quân Đội. Tháng 9/2007, đội bóng giành quyền lên V-League và trở lại tên gọi cũ - Thể Công. Tuy nhiên, ngày 22/9/2009 (trước lễ kỷ niệm 55 năm thành lập), Bộ Quốc phòng quyết định xóa tên Thể Công. Hai tháng sau, Tổng Công ty Viễn thông Viettel bất ngờ để lại đội một, đồng nghĩa suất tham dự V-League cho Thanh Hóa, chỉ giữ lại đội hai thi đấu ở hạng Nhất 2010 dưới tên gọi Trung tâm Bóng đá Viettel.

Bóng đá Quân đội chú trọng vào đào tạo trẻ và bắt đầu hồi sinh khi Viettel vô địch hạng Nhì năm 2015, hạng Nhất năm 2018. Hai năm sau khi trở lại giải đấu cao nhất, đội bóng này giành chức vô địch V-League 2020. Vậy nên, sau những “tâm tư” về tên gọi thì Thể Công - Viettel chơi bóng, chiến lược phát triển như thế nào để khẳng định sức mạnh, tham vọng mới là điều quan trọng.

Thể Công - Viettel sẽ chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ, kể cả những cựu danh thủ “khó tính” nếu họ thể hiện được lối chơi cống hiến, rực lửa như “Cơn lốc đỏ” năm nào. Hành trình đó giờ mới bắt đầu.

Nguyễn Xuân Kiên được mệnh danh là “cơn lốc đường biên” của U23 Việt Nam và cầu thủ quê Phú Thọ vui mừng chia sẻ về sự kiện trọng đại của đội nhà.

“Tôi cảm ơn thế hệ đi trước, các bác lãnh đạo đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên Câu lạc bộ bóng đá Viettel như bây giờ. Tôi luôn nhớ đến ‘Thể Công’ trong lúc khó khăn nhất và tôi vinh dự, tự hào khi được tiếp nối truyền thống ấy. Đội bóng sẽ luôn thi đấu hết mình vì mục tiêu cao nhất, cháy hết mình và vì màu cờ sắc áo và làm những gì tốt nhất cho tập thể.

Không chỉ cá nhân tôi, tập thể đội bóng sẽ luôn ra sân với tinh thần của người lính cụ Hồ, mang bản sắc riêng và giá trị của bóng đá Thể Công ngày xưa duy trì đến sau này. Tôi tin rằng mỗi chúng tôi đều có dòng máu người lính trong mình, khi ra sân sẽ luôn có thành tích tốt. Mong người hâm mộ tiếp tục ủng hộ, đồng hành và tiếp lửa cho chúng tôi với tên gọi Thể Công - Viettel”, Xuân Kiên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ