Còn đâu di sản?

GD&TĐ - Những ngày qua, vụ xây cầu dài hơn nghìn mét tại di sản hỗn hợp do UNESCO công nhận - Khu danh thắng Tràng An, (Ninh Bình) đang làm “nóng” dư luận.

Còn đâu di sản?

Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ công trình xây trái phép, trả lại nguyên trạng cho di sản Tràng An cũng sẽ phải đối mặt với việc di sản bị tổn thương.

Buông lỏng quản lý

Tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên) Ninh Bình, trên núi Cái Hạ nhiều tháng nay xuất hiện cột bê tông, bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói là núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của di sản đã được UNESCO công nhận. Rất nhiều trụ cột bê tông được dựng lên với hơn 1.000 bậc trải dài từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, có chiều dài chừng 1 km. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam.

Có thể nhận thấy, thời gian qua, nhiều công trình sau khi phát hiện sai phạm đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi.

Mới đây, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cũng bị xâm phạm khi để cho Công ty TNHH MGA Việt Nam xây dựng trên đỉnh núi tượng Bà Chúa Xứ thứ hai không được cấp phép. Điều đáng nói là việc xâm phạm đến di sản không chỉ ở trong hành vi xây dựng trái phép, mà còn ở chính trong việc “xuyên tạc” các giá trị di tích, xuyên tạc và dàn dựng nên những câu chuyện không có thật, không có trong lịch sử, bôi nhọ ý nghĩa của di tích gắn với danh nhân lịch sử.

Cách đây không lâu, di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội) khiến nhiều người ngỡ ngàng, choáng váng vì độ nguy nga hoành tráng sau khi được tu bổ, tôn tạo. Hay việc sơn phết ở di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội) đã khiến các bức tượng La Hán tại đây rơi vào tình trạng móng chân móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng.

Có thể nói, tình trạng di sản bị cơi nới, tu bổ, xây mới... làm mất đi yếu tố gốc của di sản, vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Cần xử lý nghiêm

Từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, có bao nhiêu sự vụ trùng tu sai, trùng tu như phá, xây mới trên lõi di tích, rồi mất cắp cổ vật, cháy đình, chùa, di tích đã xếp hạng bị xuống cấp không được tu bổ…

Khi nhắc đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, không chỉ dư luận mà cả những người tâm huyết với di sản đều lo lắng. Lo lắng của họ không phải là không có lý do vì nhiều di tích khi được tu bổ đã bị làm sai rất nhiều.

Việc bảo tồn di sản là cần thiết, nhưng phải song hành với việc khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên trong quá trình khai thác thì yếu tố bảo vệ, bảo tồn giá trị rừng di sản sẽ luôn phải đặt lên hàng đầu.

Chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại về việc thực hiện luật pháp trong lĩnh vực di sản. Nếu xử lý nghiêm, chế tài nặng đối với các vụ việc thì sẽ giảm tình trạng di sản bị xâm hại như hiện nay. Việc coi thường di sản quốc gia, di sản thế giới như trên cần được xử lý nghiêm khắc, cần thiết thì xử lý hình sự chứ không thể chỉ xử phạt hành chính được.

Một di sản quốc gia đặc biệt bị xâm phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu khi một công trình xây dựng trái phép diễn ra. Đây là bài học cho nhiều địa phương khác trong việc quản lý di sản, tránh rơi vào tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, đến khi “sự đã rồi” thì giải quyết hậu quả không hề dễ dàng.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã ký Công văn số 845 gửi UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị xử lý các sai phạm tại Quần thể danh thắng Tràng An. Văn bản nêu rõ, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ. Văn bản của Bộ cũng đề nghị “xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực nêu trên, để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ