Tiếng kêu cứu của những di sản
Những năm 1990, trước thực trạng nhiều nhà rường đặc trưng của xứ Huế bị xuống cấp, trong khi địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể thì một số cán bộ đã vận động phía Nord Pas de Calais (CH Pháp) hỗ trợ gần 50.000 euro để trùng tu ngôi nhà rường truyền thống ở 117 Lê Thánh Tôn.
Đây vốn là ngôi nhà rường của ông Trương Như Cương (1850 -1 926), người từng giữ chức Phụ chánh đại thần qua các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Sau đó, ngôi nhà này được chuyển lại cho con trai là Trương Như Đính (1892 - 1970), là Thượng thư Bộ Kinh tế dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1988, ngôi nhà được bán lại cho UBND phường Thuận Lộc.
Sau khi hoàn thành trùng tu, ngôi nhà này đã được đặt tên và gắn biển “Nhà di sản”- với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống của xứ Huế. Đây cũng trở thành địa chỉ văn hóa thu hút các du khách quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, mới đây UBND phường Thuận Lộc đã cho phép thi công xây dựng một công trình được cho là trung tâm thể dục thể thao. Theo phản ánh của nhiều người dân, sau nhiều lần được cho thuê và mượn, hiện tại khoảng sân trước “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn đang được UBND phường Thuận Lộc cho một đơn vị tư nhân thuê lại để xây dựng công trình khác. Sự việc khiến nhiều người không khỏi bất bình cho rằng, việc cho thuê làm phá vỡ khu nhà di sản Huế.
Cùng thời đó, câu chuyện chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội) được xây thêm một số hạng mục, phá vỡ kiến trúc cổ cũng là câu chuyện “nóng” về việc ứng xử với di tích di sản.
Tương truyền, chùa Khúc Thủy được khởi dựng từ năm 1010. Sử sách ghi đây là nơi nhiều danh tăng, danh tướng thời Lý - Trần sinh sống và tu hành như Khuông Việt Đại sư, Vạn Hạnh Quốc sư, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngôi chùa được xây dựng vào thời vua Lý Công Uẩn khi người dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Ngôi chùa trước kia có diện tích bằng khoảng 1/3 hiện nay, nằm trong không gian trầm mặc, cổ kính, xung quanh được bao bởi hàng rào dâm bụt, phía bên trái chùa có giếng nước cổ và phía sau là một hồ bán nguyệt tạo không gian phong thủy, thanh tịnh. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa dần mất đi nét cổ kính xưa kia.
Ứng xử như thế nào với di sản
Từ tiếng kêu cứu của các di tích, di sản, một câu hỏi được đặt ra: Vì sao chính quyền địa phương lại thờ ơ, chính xác hơn là quá chậm trễ trước tình huống cấp bách như vậy? Nguy cơ mất mát những di sản quý giá của cộng đồng là điều đáng báo động, trong khi cán bộ quản lý di sản ở địa phương lại vô cảm trước sự sống - còn của di tích?
Có thể khẳng định, những giá trị của di sản văn hoá Việt Nam là nguồn tài nguyên vô tận để giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chứa đựng trong hệ thống các di tích, đền chùa, trong con người và môi trường sống xung quanh là những tri thức vô cùng phong phú.
Không thể phủ nhận những động thái bảo tồn nhà cổ đã được ngành VH-TT&DL quan tâm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc ứng xử với di sản văn hóa từ phía các cơ quan chức năng luôn ở trạng thái “phản ứng chậm”.
Và dường như chỉ khi báo chí và những lãnh đạo cấp cao lên tiếng, việc xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nhiều khi vẫn bị lúng túng, “quả bóng trách nhiệm” trong nhiều trường hợp vẫn cứ loay hoay “đẩy” từ bên này sang bên kia…