Tìm hiểu sâu hơn giáo dục vùng cao, GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với thầy Hoàng Văn Cương - Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS Cư Lễ, Na Rì (Bắc Kạn) đã có hơn 20 năm là hiệu trưởng.
- Công tác nơi vùng núi cao Na Rì (Bắc Kạn) nhiều năm, xin ông cho biết công việc của một người hiệu trưởng ở đây phải làm những gì?
Thường bắt đầu đầu một năm học mới bao giờ tôi cũng rà soát lại cơ sở vật chất trường lớp để sửa chữa, bổ sung, chuẩn bị điều kiện tốt nhất, sẵn sàng cho năm học mới; Bố trí cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong hè; Lên kế hoạch, nội dung, chương trình giảng dạy cụ thể theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cho từng môn học, từng khối lớp; Lên kế hoạch phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cho từng lớp; Lên chương trình, kế hoạch cho năm học theo từng tuần, từng tháng, từng sự kiện, từng chủ đề của năm học theo thời khóa biểu…
Ngoài khung kế hoạch, chương trình cụ thể cho từng môn học, từng nhiệm vụ của giáo viên…, tôi còn luôn cập nhật thông tin, văn bản chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, từ Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT để bổ sung vào kế hoạch giảng dạy và các hoạt động khác trong năm học.
Thật sự, công việc của một hiệu trưởng ở miền ngược hay miền xuôi, hay ở đâu đi chăng nữa đều có nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn theo quy định chức danh hiệu trưởng phải làm. Nhưng quả thật làm hiệu trưởng ở những trường vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh như tôi có nhiều việc phải làm hơn các nơi khác.
- Công việc mà người hiệu trưởng ở vùng núi cao phải làm là những gì thưa ông?
Ngoài các nhiệm vụ mà người hiệu trưởng phải đảm trách thì với một người hiệu trưởng ở vùng cao như tôi còn phải là người cha, người bác, người anh, làm sao để họ hiểu, họ quý mếm và yên tâm cho con đi học. Làm sao vai trò người “thuyền trưởng” của tôi phải thật xứng đáng để giáo viên, phụ huynh và học sinh họ tin tưởng.
Còn nhớ, vào những dịp hè và những dịp chuẩn bị khai giảng, tôi đã cùng các đồng nghiệp phải trèo đèo, lội suối, băng rừng để đến nhà dân làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; Cùng phụ huynh học sinh và giáo viên, sửa chữa phòng học, khắc phục được những thiếu thốn về cơ sở vật chất để đầu năm mới thầy trò có trường lớp học kiên cố, khang trang học tập; Phát triển đội ngũ, đẩy mạnh công tác chuyên môn…
Để được dân bản tin yêu, người hiệu trưởng ở vùng cao phải thành thạo tiếng dân tộc thiểu số để có thể trò chuyện với chính quyền địa phương, với phụ huynh học sinh. Phải bằng thứ ngôn ngữ của họ người hiệu trưởng mới có thể trao đổi một cách cởi mở về tình hình trường lớp, và việc cần thiết phải cho con họ đến trường học.
Hiện tại, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn đang diễn ra. Nguyên nhân do điều kiện học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: đường sá đi lại xa xôi, hiểm trở; phong tục, tập quán lấy vợ, lấy chồng sớm... khiến học sinh không muốn học. Cho nên việc duy trì sĩ số học sinh trên lớp còn là vấn đề khó khăn. Nhiều khi đích thân tôi xuống nhà vận động để các em không bỏ học giữa chừng nhưng cả gia đình và em học sinh đó vẫn một mực bỏ học để ở nhà lấy chồng.
- Để người hiệu trưởng làm tốt vai trò “thuyền trưởng” theo ông, cần phải có những yếu tố gì?
Công việc của người hiệu trưởng tương đối bận. Để làm tốt công việc quản lý người hiệu trưởng phải như con dao pha. Biết phân công, sắp xếp công việc của một trường học; Nắm bắt được tâm lí của giáo viên, học sinh để biết cách động viên khích lệ họ; Nắm vững chuyên môn của từng người để biết phân công đúng người đúng việc; Biết cách khơi dạy các hoạt động đoàn, đội, các phong trào… để khích lệ việc dạy và học…
Một khi công việc đã được lên kế hoạch, được nằm lòng thì người hiệu trưởng sẽ có thể vừa chỉ đạo về chuyên môn tốt, vừa làm công tác quản lý tốt.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này?