Trong buổi tọa đàm Làm sao để bớt đau đầu vì teen vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra hàng loạt câu hỏi “sốc” với phụ huynh.
Nói về giáo dục giới tính, TS Vũ Thu Hương nêu tình huống, nếu con mang que thử thai hai vạch về nhà, bố mẹ sẽ phản ứng thế nào?
Nữ tiến sĩ kể trong một lần đặt câu hỏi với nhóm nữ sinh trung học về chuyện các em đã nghĩ đến việc có thể có bầu hay chưa? Học sinh gần như đều trả lời "chưa nghĩ đến chuyện đó hay chưa bao giờ bố mẹ nói chuyện này cả". Duy nhất chỉ một học sinh mạnh dạn nói em từng nghĩ tới vì bố mẹ có đề cập đến câu chuyện này, mẹ em là giáo viên về kỹ năng sống.
Như vậy, rất ít phụ huynh nói với tuổi teen về giới tính. Tuy nhiên, khi trò chuyện với nhau, trẻ dùng ngôn từ thô bạo để nói về chủ đề này.
Theo TS Vũ Thu Hương, điều đó chứng tỏ trẻ ít nhiều đã có hiểu biết ban đầu về giới tính. Bà đưa ra lời khuyên bố mẹ dạy con càng sớm thì trẻ càng có nhận thức tốt.
Cụ thể, các gia đình nên dạy con trai hành vi chuẩn mực và không đúng về mối quan hệ giới tính với các bạn nữ, thậm chí các con có thể bị đi tù.
Người lớn nên dạy trẻ kiến thức và cả pháp luật. Với nam hay nữ, cha mẹ cần dạy trẻ hành vi để tránh những điều đáng tiếc. Việc bố mẹ lảng tránh, thậm chí cấm đoán sẽ khiến con không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Theo TS Vũ Thu Hương, ở tuổi teen, trẻ dễ nghiện smartphone, thậm chí đến mức trầm trọng. Bố mẹ cần "tịch thu" điện thoại hay máy tính của con trong thời gian tăng dần, sau đó yêu cầu con làm các công việc khác như dọn nhà, tham gia hoạt động cộng đồng.
"Người xưa có câu "nhàn cư vi bất thiện", với trẻ cũng như vậy, ngay từ nhỏ bố mẹ nên giúp trẻ bận rộn, giúp đỡ gia đình để không có thời gian quậy phá" - TS Hương nói.
Nhận thức sai lệch về giới tính do ảnh hưởng từ phim ảnh, phim sex đồng tính cũng là trường hợp dễ bắt gặp ở tuổi teen. Cha mẹ cần giúp con tránh xa các sản phẩm trên, đồng thời trò chuyện để con hiểu, cân bằng lại tâm lý.
Trước câu hỏi của phụ huynh về việc ứng xử như thế nào với trẻ có thói quen ăn trộm vặt, TS Vũ Thu Hương nói ngay từ nhỏ bố mẹ cần dạy con phân biệt rõ ràng giữa đồ đạc của bản thân và người xung quanh.
Từ những vật nhỏ như như quần áo, bấm móng tay, khi con có thói quen sử dụng tùy tiện sẽ dẫn đến việc ăn trộm vặt. Ngoài ra, người lớn cũng cần tôn trọng, xin phép khi muốn sử dụng đồ của con. Trẻ cần được học về giá trị của đồng tiền và chi tiêu trong gia đình.
Trong một câu chuyện khác về tuổi teen, TS Vũ Thu Hương cho hay bà chứng kiến một đứa trẻ hút 20 quả bóng cười tại một quán gần trường học. Bố mẹ khi biết điều này chỉ thấy “sốc”. Tuy nhiên, phụ huynh lưu ý con có tiền mới hút được bóng cười. Vì vậy, người lớn phải quản được việc con có bao nhiêu tiền, không nên để con chi tiêu thiếu thốn nhưng cũng không được dư giả.
Thay vì trốn tránh, cha mẹ hãy đề cập thẳng với con về tác hại của bóng cười, cần sa, thậm chí cho con tới thăm trại nghiện, bệnh viện tâm thần để con đối diện với hậu quả của sự việc, tự biết có nên sử dụng hay không.
“Quan trọng nhất, cha mẹ hãy luôn bên cạnh, hỏi han, trò chuyện cùng con tháo gỡ khó khăn. Người lớn làm bạn cùng teen chứ không phải hồi hộp chờ đợi con bước qua lứa tuổi này” - thông điệp TS Vũ Thu Hương nhắn gửi phụ huynh.