Tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội, đám “con buôn” đồng lòng “không bán khẩu trang”. Đã có hàng nghìn cửa hàng bị phạt vì tăng giá, không bán, đầu cơ, buôn lậu… khẩu trang. Thưa rằng, ngày thường, những “con buôn” ấy chính là dược sỹ.
Bộ y tế khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Chợ thuốc, dược sỹ lại kiên quyết “không có khẩu trang để bán”. Họ đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi về dịch bệnh. Không có khẩu trang, làm thế nào để phòng được lây nhiễm qua đường nước bọt.
Tôi tự nhận mình là người bị ám ảnh bởi nước bọt. Hình ảnh về những người khạc nhổ khi tham gia giao thông rất gây ức chế. Trong bối cảnh đại dịch do 2019 nCoV đang hoành hành, lây truyền qua nước bọt, nỗi ám ảnh đó tăng thêm. Khẩu trang tạm được coi là biện pháp hạn chế nỗi ám ảnh.
Quãng đường hàng ngày tôi đi làm hơn 20km. Gần như ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh các xe đi phía trước khạc nhổ nước bọt. Từ xe điện, xe máy đến ô tô. Những người này khạc nhổ thản nhiên như thể thế giới này của họ và chỉ mình họ.
Cũng phải nói rõ rằng, thứ văn hóa này chỉ là của một bộ phận nhỏ. Nó không đại diện cho toàn bộ người Việt.Theo cảnh báo, 2019 nCoV có thể lây nhiễm qua đường nước bọt trong phạm vi 2 - 3m. Đường đông! Xe cộ như nêm. Một người khạc nhổ cả tá người “thụ hưởng”!
Tôi đã ngoài 40 tuổi. Từ bé đến giờ không có thói quen đeo khẩu trang. Những ngày Hà Nội ngập trong bụi mịn, tôi vẫn hít cho đầy lồng ngực. Tôi đã bỏ qua mọi lời cảnh báo, nhắc nhở của người thân. Nhưng khi nCoV len lỏi vào mọi gia đình, xuất hiện trong hầu khắp câu chuyện và reo rắc nỗi sợ hãi thì thói quen không đeo khẩu trang của tôi bị phê phán nặng nề.
Ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết, vợ tôi giọng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Anh đeo khẩu trang vào”. Tôi đeo. Chắc hẳn trong hơn 90 triệu dân, số người lần đầu đeo khẩu trang như tôi không ít.
Lần đầu đeo khẩu trang ra đường, tôi vừa đi vừa nghĩ. Các cụ bảo “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Đeo khẩu trang với tôi là thay đổi thói quen, khó vậy mà tôi đã làm được. Nhưng, ở thời điểm này, nó không khó bằng việc phải đi mua khẩu trang mùa dịch được bán bởi những con buôn.
Rồi thì dịch cũng sẽ qua. Nhưng hình ảnh, khuôn mặt những con buôn mùa dịch sẽ mãi được nhớ đến. Một vài đồng có được nhờ bán khẩu trang giá cắt cổ, nhờ “hút máu” đồng bào trong dịch bệnh chẳng thể khiến người ta hạnh phúc. Cái “con buôn”, những dược sỹ nhà thuốc thu về trong mùa dịch chỉ là sự ác cảm của xã hội. Trong lúc dịch còn chưa kết thúc, mong sao, sự ác cảm ấy sẽ được sửa sai.