Tuy nhiên, càng sát “giờ G”, nỗi lo càng lớn hơn khi năng lực nội tại từ khâu sản xuất, chế biến cho đến phân phối của ngành dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bởi chỉ tính riêng từ tháng 10 đến nay, giá đường tinh luyện chỉ hơn 12.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn không thể bán được và hiện đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn...
Gặp khó vì đường lậu
Thời điểm này đang là giai đoạn cao điểm các DN cần mua đường phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến bánh kẹo, hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán. Song theo các DN, dù giá thấp, nguồn cung lớn nhưng vẫn không thể bán nên lượng đường đang tồn kho rất lớn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), chỉ tính riêng từ giữa tháng 10 đến nay, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất được hơn 10.000 tấn đường, cộng với khoảng 300.000 tấn đường đang tồn trong kho. Trước đó, báo cáo rà soát phát triển mía đường của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy tồn kho của các nhà máy trong 10 năm trở lại đây có tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân 25,5%/năm (2005 - 2014). Niên vụ 2015 - 2016, tồn kho chuyển vụ là 104.275 tấn, gấp 8 - 9 lần so với năm 2005.
Lý giải về tình hình lượng đường tồn kho lớn như hiện nay, đại diện VSSA cho rằng, nguyên nhân là do các DN đang chờ đợi thêm hơn 1 tháng nữa (đầu năm 2018), Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), tức là các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu (NK) đường vào Việt Nam, đồng thời giảm thuế suất NK xuống 5%.
Chính vì vậy, VSSA lo ngại, đầu năm 2018, nếu bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường như cam kết ATIGA trong khối ASEAN, các nhà máy đường có công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu sẽ gặp khó khăn, có thể sẽ chuyển hết sang nhập đường thô tinh luyện và không thu mua mía của nông dân. Khi đó nông dân sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhất vì lượng mía trồng không thể bán, hoặc bán giá thành thấp.
Chưa kể, nếu thực hiện ngay cam kết ATIGA với khối ASEAN, chắc chắn ngành mía đường trong nước sẽ bị Thái Lan thôn tính. Bởi hiện sản lượng đường của Thái Lan là 11 triệu tấn/năm, chỉ riêng đường lậu của Thái Lan cũng đã khiến cho DN mía đường trong nước điêu đứng. Bởi theo số liệu của Tổ chức Đường thế giới (ISO), lượng đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm tương đương khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành. Hiện nay, giá đường trong nước cao hơn đường ngoại nhập thế giới nên buôn lậu đang ráo riết vận chuyển hàng qua biên giới vào Việt Nam với nhiều chiêu trò và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Nguy cơ tụt hậu đang hiện hữu
Theo các chuyên gia, vài năm gần đây, ngành mía đường dù đã nỗ lực nhiều để giảm giá thành, nâng chất lượng song so với các quốc gia trong khu vực vẫn còn thua kém rất nhiều. Cụ thể như Thái Lan có khoảng 1,5 triệu ha diện tích trồng mía, gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng đường gấp 8 lần, giá trị thu về mỗi năm hơn 6,355 tỷ USD. Philippines có 450.000 ha mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường, giá trị đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam với 300.000 ha trồng mía, sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn đường nhưng giá trị chỉ gần 975 triệu USD.
Được biết, hiện một tấn đường Việt Nam sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, gấp đôi Thái Lan. Nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan chỉ là 8.000 đồng/kg (mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg). Chỉ ra nguyên nhân, theo các DN, nhiều năm trở lại đây, sản lượng đường của Việt Nam đã tăng lên nhờ đầu tư vào khâu giống nhưng số lượng vẫn thấp hơn Thái Lan và Philippines. Một phần vì chính sách phát triển của các nước trong khu vực tốt hơn Việt Nam. Họ có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vì ngoài đường, các quốc gia này sẽ sản xuất thêm xăng sinh học…
Để đường Việt Nam có thể cạnh tranh được về giá với các nước trong khu vực, các chuyên gia cho rằng ngành đường Việt Nam cần phải thay đổi nhiều, đặc biệt là hành lang pháp lý. Bởi Thái Lan hay Philippnies đã có Luật Mía đường, nhưng đến nay Việt Nam chưa có.
Tuy ngành mía đường Việt Nam đạt mức tăng trưởng 134% từ năm 1997 đến nay, nhưng lại đang có nguy cơ tụt hậu rất xa so với Thái Lan và Philippines. Ngoài ra, các chuyên ra cũng chỉ những bất cập khác của ngành mía đường hiện nay là thiếu gắn kết giữa DN với DN, DN với nông dân và thiếu chủ động trong việc nhận diện thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.